Tài chính - Ngân hàng

Gỡ rào cản hút vốn đầu tư

Năm 2017, thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư 160 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách khoảng 110.000 tỷ đồng; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng; 99 dự án đang làm thủ tục, tổng vốn đầu tư 287.949 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 đơn vị (tăng 11%), vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%) nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 231.922. Vốn FDI dự kiến đạt hơn 3,356 tỷ USD, tăng 3,7%.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngay từ đầu năm 2017, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ các khó khăn. Thành phố tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD, tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2017 - hợp tác đầu tư và phát triển". Lãnh đạo thành phố xác định "chìa khóa cho bài toán siêu đô thị" chính là đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác đầu tư và phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội. Trong mấy năm gần đây, Hà Nội luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư bằng nhiều hình thức. Lãnh đạo UBND thành phố cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp; tăng cường xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp. Việc các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội thu hút một nguồn lực lớn vốn đầu tư FDI đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của Thủ đô.

Theo chia sẻ của ông Kim Y-âng Chun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đến Hà Nội đang có xu hướng tăng. Những tập đoàn lớn như LG, Samsung đã trở thành "người dẫn đầu" xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Thủ đô. Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào các tập đoàn lớn đang hoạt động tại Hà Nội. Do đó sắp tới, công nghệ, điện tử, kỹ thuật thiết bị… sẽ tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn FDI Hàn Quốc. Hiện có khoảng 450 công ty Hàn Quốc hợp tác với Samsung trong lĩnh vực cung cấp linh kiện thiết bị, và khoảng 500 doanh nghiệp khác phối hợp với LG.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng thẳng thắn chia sẻ một số bất cập về cơ sở hạ tầng cơ bản, vấn đề giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng nguồn vốn FDI trong năm 2018, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư FDI nên gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội cần kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp Thủ đô với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích ứng; hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực…