Tài chính - Ngân hàng

Gian nan đòi nợ thuế

Cục Thuế TP Hà Nội vừa công khai đợt tám năm 2016 danh sách 133 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền 147,257 tỷ đồng. Trong đó, có 121 doanh nghiệp nợ thuế, phí với tổng số tiền 111,271 tỷ đồng và 12 đơn vị nợ tiền thuê đất 35,986 tỷ đồng.

Đợt này, khối doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vẫn tiếp tục dẫn đầu trong danh sách công bố, như: Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy và Xây dựng Sông Hồng (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) nợ hơn 18 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Sao Sáng (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nợ gần 5,4 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình văn hóa (8/260 đường Cầu Giấy) nợ 6,3 tỷ đồng tiền thuế phí; Công ty TNHH đèn hình ORION HANEL (Khu công nghiệp kỹ thuật cao Sài Đồng B, Long Biên) nợ 6,2 tỷ đồng… Đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết, trong bảy tháng của năm 2016, Cục Thuế thành phố đã đăng công khai bảy đợt với 951 doanh nghiệp, dự án nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tương ứng số tiền 1.906,872 tỷ đồng. Kết quả sau bảy đợt công khai đã có 447/951 đơn vị nộp 294,069 tỷ đồng nợ thuế vào ngân sách.

Thực tế, vấn đề thu nợ thuế đối với các doanh nghiệp không đơn giản. Trong nhiều năm, do thiếu kiên quyết cũng như thiếu chế tài xử lý nợ đọng, số tiền nợ thuế ngày càng lớn, buộc các cơ quan phải nêu tên doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế. Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa Lê Quang Hùng chia sẻ, dù đã rất nỗ lực trong công tác thu hồi nợ đọng, nhưng việc thu nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do ý thức chấp hành pháp luật thuế của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Hai giải pháp mà cơ quan thuế thực hiện đối với các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế là cưỡng chế tài khoản và cưỡng chế hóa đơn đã phần nào phát huy tác dụng. Tuy nhiên, thực tế có không ít doanh nghiệp khi bị cơ quan thuế cưỡng chế tài khoản thì tài khoản đã không còn tiền.

Việc thu nợ thuế đã khó khăn, nhưng việc quản lý không để tiền thuế bị “đánh cắp” còn khó hơn gấp bội. Bởi có muôn hình vạn trạng hành vi trốn thuế với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo Cục Thuế TP Hà Nội, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, Cục đã chuyển cơ quan công an đề nghị xác minh 111 vụ liên quan đến gần 4.000 hóa đơn; sai phạm thuế, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, nợ thuế hơn 100 vụ; chuyển hồ sơ để phối hợp giải quyết đối với 80 doanh nghiệp sử dụng 632 số hóa đơn bất hợp pháp với giá trị hàng hóa 106 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 10 tỷ đồng. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bảy đối tượng về các hành vi “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Mua bán trái phép hóa đơn” tại Công ty CP Đầu tư thương mại Toàn Hiền. Trần Văn Toàn (trú phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) làm giám đốc công ty này đã cấu kết cùng đồng bọn thông qua hoạt động của nhiều công ty khai khống chi phí lương của lao động để trốn thuế, đồng thời hợp thức hóa đơn đầu vào cho các hoạt động kinh doanh trái phép trị giá nhiều chục tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập hơn 10 công ty để buôn bán hóa đơn trái phép.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn, các ngành chức năng có liên quan cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý hóa đơn bất hợp pháp; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm số nợ có khả năng thu đến ngày 31-12-2016 dưới 5% tổng thu ngân sách. Với khối doanh nghiệp chây ỳ nghĩa vụ thuế, ngoài việc nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan thuế sẽ tiến hành cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn và chuyển hồ sơ sang công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho rằng, bên cạnh việc bảo đảm nguồn thu, ngành thuế cũng cần lắng nghe để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.