Tài chính - Ngân hàng

Dừng xem xét dự án mới nếu nợ thuế

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp còn nợ tiền thuế đất, tiền thuê đất, Hà Nội đã có nhiều biện pháp để thu hồi, nhưng kết quả đạt được trong hơn một năm qua chưa như mong muốn. Tới đây, thành phố sẽ thực hiện biện pháp mạnh hơn.

Do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu cũng như trong nước, nên mấy năm trở lại đây, số nợ đọng thuế lớn dần. Từ cuối năm 2014, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo các địa phương công khai danh tính các đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế. Riêng với thuế đất, Hà Nội đã công bố hơn 10 đợt danh sách hàng trăm đơn vị nợ thuế. Theo báo cáo, trong năm 2015, Cục Thuế thành phố thu nợ được 9.758 tỷ đồng. Sau khi công khai bảy đợt nợ thuế đã có 311/627 đơn vị thu xếp nguồn tài chính và nộp nợ vào ngân sách gần 1.792 tỷ đồng, đã có 30 đơn vị nộp hết nợ. Đến giữa tháng 4-2016, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất trên địa bàn. Theo đó, Cục Thuế đã tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định và tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, từ cải cách thủ tục hành chính thuế đến tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu xếp nguồn tiền để nộp nợ thuế.

Tại cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tháng 6-2016, một trong những nội dung đáng chú ý là việc đôn đốc thu nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn Hà Nội. Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được 14.102 tỷ đồng. Cuộc họp đã nghe nhiều ý kiến chung quanh vấn đề thu hồi nợ thuế đất của doanh nghiệp. Các ý kiến đều cho rằng cần có biện pháp mạnh hơn nữa trước việc chây ỳ của doanh nghiệp. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục giao Cục Thuế thành phố - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn, báo cáo thống kê cụ thể, chi tiết danh mục các dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (tổng số tiền phải nộp, số tiền đã nộp, số tiền còn nợ, nguyên nhân nợ…), thời hạn hoàn thành trước ngày 25-6-2016; giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản chủ trì cùng các sở, ngành liên quan làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để quán triệt, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó, nêu rõ quan điểm, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc cố tình chây ỳ, UBND thành phố sẽ kiên quyết dừng xem xét đối với đề xuất của doanh nghiệp về đầu tư các dự án mới trên địa bàn. Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thống kê cụ thể từng dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhóm dự án đến hết năm 2016, để có kế hoạch thu cụ thể. Cục Thuế thành phố Hà Nội báo cáo UBND thành phố tình hình và kết quả thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn thành phố, thời gian trước ngày 25 hằng tháng. Giao Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đủ điều kiện xác định nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách…

Sau cuộc họp ít ngày, hôm 13-6, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục công khai đợt sáu năm 2016 danh sách 152 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền nợ 184,19 tỷ đồng. Trong đó, có 13 dự án nợ tiền thuê đất 35,13 tỷ đồng và 139 doanh nghiệp nợ thuế, phí 149,06 tỷ đồng. Các đơn vị đứng đầu “bảng” trong đợt công khai này gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Viễn Đông nợ hơn 9,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phòng cháy, chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà nợ hơn 6,4 tỷ đồng…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để chấm dứt hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu thuế do chây ỳ, thì cần có biện pháp mạnh. Đối với trường hợp sử dụng đất không nộp tiền thuế sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành thì cục thuế địa phương báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định.