Động lực hút vốn

Nhiều chuyên gia đánh giá, thời gian gần đây, môi trường kinh doanh của Hà Nội đã được cải thiện, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Đó là một trong những yếu tố thuận lợi để Hà Nội tạo động lực thu hút mạnh vốn đầu tư.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội khoảng 2,5 đến 2,6 triệu tỷ đồng (gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015). Vốn đầu tư cho các dự án của Hà Nội có ba nguồn chính, là từ ngân sách, vốn vay ODA và nguồn xã hội hóa theo hình thức hợp tác công - tư. Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách khá hạn hẹp, và nguồn ODA cũng đang giảm dần. Với nguồn vốn xã hội hóa, Hà Nội đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Do đó, để thực hiện hiệu quả các dự án, công trình, Hà Nội cần tập trung các giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư, đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình trọng điểm. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn Hà Nội phải đạt các tiêu chí gồm: Có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; đủ năng lực về tài chính; cam kết thực hiện vốn; có ký quỹ để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; bảo đảm chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, dự toán chi ngân sách của TP Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương. Nhưng trong phần quy định về huy động vốn cho đầu tư phát triển có quy định, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách thành phố, UBND thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án.

Trong mấy tháng qua, để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm giao thông, các dự án cấp bách, Hà Nội đã có văn bản trình Chính phủ xin áp dụng những cơ chế đặc thù. Thí dụ, chủ trương thực hiện các dự án xây dựng cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống với tổng mức đầu tư 57 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2 dự án cầu Vĩnh Tuy với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng... đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 2; 3; 3,5 và 4 với tổng mức đầu tư 66.000 tỷ đồng…

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư nhận định: Số công trình, dự án mà Hà Nội dự tính triển khai trong giai đoạn 2017-2020 là rất lớn. Do vậy, để triển khai có hiệu quả, cần phải tiếp tục rà soát để lựa chọn các công trình quan trọng nhằm sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp khả năng huy động nguồn lực đầu tư, tạo sự liên kết và phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm... Nên xem xét việc xin cơ chế đặc thù của Hà Nội, để triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ. Cơ chế đặc thù song phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ông Võ Trí Thành cũng khuyến cáo: “Nhưng nếu muốn được trao cơ chế thì Hà Nội phải chứng minh được là từ cơ chế ấy thành phố sẽ tạo ra bộ mặt khang trang cho mình, đồng thời tạo được sự lan tỏa và kết nối liên vùng”.