Đồng hành với doanh nghiệp mới

Năm 2018, Hà Nội tiếp tục cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đạt mục tiêu phát triển thêm 400 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trước ngày 1-10-2016, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng trên địa bàn chỉ đạt 10-15%, đến quý IV-2016, số hồ sơ thực hiện qua mạng đã chiếm 52,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận, nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến trong năm 2016 lên trung bình 25%. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, đến cuối năm 2017, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu 100% số doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng, thời gian thực hiện đăng ký chỉ trong hai ngày làm việc (trước một ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) và trả kết quả sau hai giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh; kê khai thuế điện tử 98,2%; hải quan điện tử 100%; bảo hiểm xã hội 98,3%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai đến tất cả 584 xã phường, thị trấn và 10 sở, ngành; tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng trong các cơ quan nhà nước đạt hơn 94%... Đại diện nhiều doanh nghiệp cho hay, thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng, hay thủ tục hành chính thuế và nhiều thủ tục khác liên quan doanh nghiệp tại Hà Nội nay đã thuận tiện và dễ làm hơn trước.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2017, qua rà soát, Hà Nội đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40 đến 60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%... Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã cơ bản hình thành khung chính quyền điện tử, đây là nền tảng cơ bản thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Hà Nội đạt 231.900 doanh nghiệp. Năm 2017, Hà Nội đã cấp đăng ký thành lập mới cho 25.160 doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2016. Tuy thấp hơn mức tăng trưởng 15% của cả nước, song các chuyên gia kinh tế đánh giá, mức tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới của Hà Nội trong năm 2017 khá ấn tượng và có nhiều cơ hội tăng cao hơn vào năm 2018.

Phân tích về số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tăng mạnh, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm 2017, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố quyết liệt đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Hà Nội cũng khai trương và vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo” và “Cổng thông tin khởi nghiệp StartupCity.vn”… Nhờ những giải pháp đồng bộ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, năm 2017, Hà Nội đã thu hút được 188 nghìn tỷ đồng từ các dự án ngoài ngân sách trong nước, tăng 28% so với năm 2016.

Nhằm thực hiện mục tiêu 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký vào năm 2020, năm 2018, cùng với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,3 đến 7,8%, vốn đầu tư xã hội tăng từ 10,5 đến 11%, Hà Nội cũng đặt mục tiêu số doanh nghiệp thành lập mới tăng từ 12%. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư thông qua tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, hiệu quả thực thi chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, cấp. Tiếp tục thực hiện đúng lộ trình, bảo đảm chặt chẽ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tập trung khuyến khích hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, tái cơ cấu các ngành kinh tế. Cùng với đó, Hà Nội từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, giải pháp xây dựng chương trình chính phủ điện tử, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hấp dẫn…