Để có những ngân hàng mạnh

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay đang diễn ra. Ngoài những cái tên cũ, một số cái tên mới trong “tầm ngắm” của giới mua bán, sáp nhập (M&A) đã bắt đầu lộ diện. Năm 2015 - năm cuối ngành ngân hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, vì thế, câu chuyện M&A ngân hàng có thể sẽ rất “nóng”.

Ngày 14-4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015. Lãnh đạo VietinBank cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, VietinBank nhận thấy Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank.

Theo phương án được Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank đề xuất, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,9; tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu CTG. Do đó, 270 triệu cổ phiếu CTG sẽ được phân bổ cho cổ đông PGBank để hoán đổi lấy 300 triệu cổ phiếu PGBank. Ông Trần Minh Bình - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, việc sáp nhập PGBank vào VietinBank trên cơ sở cân nhắc các lợi ích. Đó là tăng trưởng về quy mô, vốn điều lệ và tổng tài sản của ngân hàng. Dự kiến, sau sáp nhập, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm 25. 000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3. 000 tỷ đồng (đạt trên 40. 000 tỷ đồng). Để bảo đảm quyền lợi cho cổ đông, HĐQT VietinBank đã phối hợp với đơn vị Tư vấn tài chính độc lập -Công ty Deloitte và đơn vị tư vấn pháp lý - Công ty Mayer Brown JSM xây dựng dự thảo đề án sáp nhập và hợp đồng sáp nhập trên cơ sở tự nguyện giữa VietinBank và PG Bank cùng nguyên tắc khách quan, minh bạch, phù hợp với thông lệ thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trước thông tin sắp tới, VietinBank có thể sáp nhập thêm OceanBank và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), lãnh đạo VietinBank cho biết đang hỗ trợ về nhân sự cho GPBank và OceanBank để điều hành ổn định, giúp hai ngân hàng này phục hồi. Các bước tiếp theo, VietinBank đang chờ chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước. Hiện chưa có chuyện VietinBank lên kế hoạch sáp nhập OceanBank và GPBank.

Đầu tháng 4 này, việc sáp nhập NamABank - EmximBank cũng đã được hé lộ khi Tổng Giám đốc NamABank Trần Ngô Phúc Vũ từ nhiệm để ứng cử chức thành viên HĐQT Eximbank. Bên cạnh những cái tên mới, thời gian tới, các thương vụ M&A ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt chủ trương là việc sáp nhập giữa Southern Bank và SacomBank, VietcomBank và SaigonBank...

Trước đó, MaritimeBank đã công bố hợp đồng sáp nhập MDB, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Đây được coi là “cú hích” cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dự tính, thời gian tới, hoạt động sáp nhập sẽ có nhiều điểm mới, kịch tính hơn. Theo đó, thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi.

Theo các chuyên gia kinh tế, tại nhiều nước trên thế giới, M&A ngân hàng là hoạt động bình thường trên cơ sở các ngân hàng tự tìm hiểu và quyết định để trở thành một định chế tài chính lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này được đặt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống nên về cơ bản, mục đích không giống với các nền kinh tế phát triển. Việc giảm số lượng các ngân hàng sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống. Nhận xét về vấn đề này, ông Đ. Men-lơ - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng: “Động thái M&A trên thị trường cho thấy, Việt Nam đã rút ra bài học “cần ngân hàng mạnh, chứ không cần nhiều ngân hàng”.