Tài chính - Ngân hàng

Còn dư địa hạ lãi suất

Câu chuyện về trần lãi suất tiếp tục nóng lên ngay từ hồi cuối năm 2014 và ngay đầu năm nay. Bởi theo nhiều chuyên gia, vẫn còn dư địa để hạ tiếp.

Vấn đề này được khẳng định tại một cuộc họp về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2015, khi đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể sẽ tăng cao hơn mức 15% đề ra, mặt bằng lãi suất trung và dài hạn sẽ được kéo giảm thêm từ 1 đến 1,5% so với hiện nay. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, nhu cầu tín dụng trong năm nay cũng có thể sẽ tăng cao hơn. Theo đó, nếu nền kinh tế phục hồi thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn 15%, thay vì từ 13 đến 15% như đã dự liệu. Tuy nhiên, yêu cầu an toàn cho đồng vốn vẫn phải được chú trọng, nếu không, nợ xấu sẽ quay trở lại. Riêng mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% được cho là vẫn còn khó khăn do vấp phải rào cản về khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, bảo đảm đến ngày 30-6-2015 phải xử lý được ít nhất 60% số nợ xấu theo kế hoạch năm 2015 và đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản được phân loại.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, những thông tin, định hướng về chính sách tiền tệ ngay từ đầu năm được đưa ra sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hoạch định kế hoạch kinh doanh. Thực tế, từ ngày 29-10-2014, trần lãi suất huy động ngắn hạn VNĐ đã giảm từ mức 6% về 5,5%. Đó là lần giảm trần lãi suất thứ hai trong năm và là lần giảm thứ chín kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất ở mức 14% vào tháng 10-2011. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Thế nên, đến cuối năm 2014, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12%, đạt chỉ tiêu định hướng 12 đến 14% đề ra từ đầu năm.

Phân tích thêm những yếu tố có thể hạ trần lãi suất, các chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết tâm tái cơ cấu ngành ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng yếu kém đã giúp tính thanh khoản của hệ thống bền vững hơn, không còn diễn ra cảnh các ngân hàng chạy đua cạnh tranh lãi suất bằng mọi giá mà thường khởi đầu từ các ngân hàng kém thanh khoản. Trong khi đó, niềm tin của các doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, do đó nhu cầu vay vốn sản xuất sẽ còn thấp, chừng nào những cải cách về chính sách dành cho doanh nghiệp chưa rõ ràng. Về phía người tiêu dùng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì vẫn thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, hoạt động cho vay còn chậm trong thời gian tới… Những điều này sẽ tạo cơ hội cho mặt bằng lãi suất ổn định và có thể còn giảm tiếp. Mặt bằng lãi suất thấp được duy trì trong khoảng thời gian ổn định sẽ giúp kích thích nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trở lại.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, cắt giảm lãi suất là phù hợp với xu thế chung của các nước chung quanh. Xét về mặt lý thuyết, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ hơn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp đang có lợi nhuận tăng cường vay vốn ngân hàng để tận dụng hiệu ứng tích cực của nền kinh tế.