Chứng khoán chưa thể bứt phá

Sáng 19-8, Ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, sau khi đã nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% vào hôm 12-8 vừa qua. Động thái này nhằm tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và bảo đảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và được cho là sẽ thu hút vốn ngoại vào chứng khoán.

Chiều 20-8, phản ánh tại sàn HNX cho thấy, thanh khoản khá ảm đạm, đạt 1.279,4 tỷ đồng giá trị khớp lệnh hai sàn. VN-Index chỉ còn 566,69 điểm, tương đương mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5 vừa qua. HNXIndex có nguy cơ rơi vào vùng tiệm cận đáy cũ thấp nhất trong vòng năm tháng qua. Đáng chú ý, mã PVS lấy đi rất nhiều điểm số của HNX-Index khi giảm 6,94% (giá chỉ còn 20.100 đồng), cùng với đó, mã PVC cũng đánh mất 34,8% giá trị. Tiếp đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng trở nên quá yếu. Các mã ngân hàng có mức giảm sâu như VCB giảm 0,92%, CTG giảm 2,53%, BID giảm 2,73%, STB giảm 0,58%, EIB giảm 2,48%, MBB giảm 2,67%, ACB giảm 1,56%.

Chốt phiên giao dịch sáng cùng ngày, VN-Index giảm 0,64%, VN30 giảm 0,42%, HNXIndex giảm 0,5%, HNX30 giảm 0,74%. Theo các nhà đầu tư, thị trường không chỉ mất dần lực đỡ từ số đông cổ phiếu mà còn mất lực từ nhóm trụ. Qua theo dõi, nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mua đáng kể. HSX chỉ được giải ngân 47,9 tỷ đồng, giảm khoảng 21%. Không có bất kỳ cổ phiếu nào được mua vào quá năm tỷ đồng. Dẫn đầu là VCB với 4,8 tỷ đồng, những mã khác như FIT, CTG, VIC, BIC, BID, DPM… đều rất nhỏ.

Trước đó, phiên giao dịch ngày 19-8 tại HNX, ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thị trường cổ phiếu niêm yết giằng co khá mạnh, sắc đỏ duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch, tuy nhiên HNX Index đã kịp phục hồi vào thời điểm cuối phiên với mức tăng 0,07 điểm (+0,09%), dừng tại mức 79,67. Dẫu vậy, thanh khoản toàn thị trường vẫn tiếp tục giảm, tổng cộng có 37,89 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt 406,36 tỷ đồng (-5,66% khối lượng giao dịch, -15% giá trị giao dịch so với phiên trước).

Mặc dù những ngày gần đây, diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tích cực hơn, nhưng khi nhận định về thị trường trong ngắn hạn, chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, VNIndex vẫn chưa thể thoát khỏi xu thế giảm trong ngắn hạn. Các phiên tăng, giảm điểm xen kẽ đi kèm diễn biến phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới. Chung quan điểm, chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam - IVS cũng cho biết, nhìn vào sức bật của thị trường, có thể thấy rằng, thị trường chưa sớm tăng lại được.

Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù tính đến cuối tháng 7-2015, chứng khoán đã tăng khoảng 15% so với cuối năm 2014, tuy thấp hơn tốc độ tăng của năm 2012 (17,7%), năm 2013 (22%), nhưng đã cao hơn của năm 2014 (8,1%) và gấp hơn hai lần lãi suất gửi tiết kiệm tính theo năm. Thời gian gần đây, chứng khoán trồi, sụt mạnh. Dù đỉnh điểm có thể cao hơn mức đã đạt được trong năm (630 điểm), nhưng dự đoán cuối năm nay, so với cuối năm trước, chỉ tăng khoảng 15%.

Ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định, cùng với đà tăng trưởng GDP đang phục hồi, các nỗ lực cải cách nền kinh tế cũng như thị trường vốn đang được thúc đẩy và bước đầu mang lại kết quả tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn, nhất là với quan điểm đầu tư trung và dài hạn. Và không ít chuyên gia cho rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá VND của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 19-8 được xem như một dấu hiệu tích cực, bởi sẽ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ giá trị tiền đồng xuống giá. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt. Và nhìn vào sức bật của thị trường trong những ngày gần đây, có thể thấy, thị trường chưa sớm có sức bật tăng lại được.