Chưa hết lo tỷ giá và nợ xấu

Tỷ giá VND/USD đang cao, nợ xấu chưa xử lý dứt điểm - hai vấn đề này đang tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có chính sách tiền tệ phù hợp sẽ khó đặt mục tiêu tăng trưởng.

Ngày 25-4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề tỷ giá và nợ xấu vẫn đang là nỗi lo thường trực. "Mặc dù cam kết không điều chỉnh quá 2%, nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm đã phải điều chỉnh mất 1%" -ông Trần Đình Thiên dẫn giải. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dự trữ ngoại hối Việt Nam được nâng lên hơn 36 tỷ USD là mức cao nhất từ trước đến nay, giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh toán quốc tế, tuy nhiên, Việt Nam theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo USD giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch. Nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng. VND tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn cho rằng, tỷ giá năm 2015 chịu nhiều áp lực hơn năm 2014. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích, thứ nhất, USD đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác. Thứ hai, lãi suất USD được kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho tăng sớm vào tháng 6-2015 làm cho Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm. Thứ ba, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi tỷ giá đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1-2015.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận xét, VND bị định giá cao ít nhất 20% là hạn chế sản xuất trong nước, không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế. Không những vậy, có chuyên gia cho rằng, việc VND bị định giá cao còn làm cho hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường thế giới. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hằng năm, Ngân hàng Nhà nước nên tuyên bố mức độ mất giá VND. Chẳng hạn tuyên bố tỷ giá tăng không quá 2% mỗi năm và bằng mọi cách can thiệp vào thị trường để giữ cam kết này liên tục trong nhiều năm. Theo thời gian, thị trường tự tạo ra một kỳ vọng thích nghi rằng các năm tới tỷ giá tăng không quá 2%. Cách thức này tuy có nhược điểm là không tính đến những thay đổi dự kiến trong tương lai khi các biến số vĩ mô thay đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó lường hiện nay của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, đây là phương thức tốt nhất có thể tạo ra sự ổn định và thiết lập niềm tin cho thị trường.

Liên quan đến nợ xấu, TS Trần Du Lịch phân tích, mặc dù trong quý I vừa qua, dư nợ tín dụng tăng, nhưng chưa đủ để đánh giá thị trường tín dụng đã thông lại hay chưa. “Cách xử lý nợ chưa đủ tin cậy vì thiếu “căn cốt” thị trường, liệu rằng, lấy 2. 000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được “cục máu đông” 150. 000 đến 200. 000 tỷ đồng nợ xấu? Liệu trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán sòng phẳng nợ xấu? ” -ông Trần Du Lịch phân tích.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tín dụng phải gắn với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung - dài hạn, dựa trên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp để neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.