Tài chính - ngân hàng

Cẩn trọng với giá vàng

Hơn một tháng, thị trường chứng kiến sự sụt giảm của giá vàng, xuống tới mức kỷ lục sau một thời gian dài “nhảy” lên mức hơn 35 triệu đồng/lượng. Có ngày, giá vàng giảm cả triệu đồng/lượng, nhiều doanh nghiệp vàng điều chỉnh giá đến mấy chục lần trong một ngày.

Theo giới kinh doanh vàng, ngoài sức ép giảm từ giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước còn đang chịu áp lực từ hoạt động bán vàng ra của người dân. Lo ngại giá vàng có thể giảm sâu hơn, nhiều người đã mang vàng đi bán trong những ngày qua.

Sáng 20-7, giá vàng trong nước giảm sâu tới hơn 400.000 đồng/lượng. Giá mua vào xuống 32,6 triệu đồng. Sau phiên giảm giá sâu, dạo quanh thị trường vàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các cửa hàng vàng đều vắng khách. Ghi nhận tại các Trung tâm mua bán vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Minh Châu tại 29 Trần Nhân Tông và đối diện với đó là Trung tâm mua bán vàng của Công ty Phú Quý tại số 30 Trần Nhân Tông, vào thời điểm vàng tăng giá thì lượng người đến giao dịch khá đông, nhưng chiều hôm đó chỉ lác đác người qua lại. “Giá vàng cứ xuống liên tiếp như vậy khiến tôi và nhiều người mua tích trữ rất lo lắng. Trước đây, tôi mua giá 35 triệu đồng một lượng, giờ cần tiền, bán ra ba lượng, lỗ mất hơn năm triệu bạc. Tiếc lắm”, một người bán vàng chia sẻ.

Cũng trong ngày 20-7, dẫn nguồn từ hãng tin Reuters nhiều thông tin cho biết, một làn sóng lệnh bán vàng đã xuất hiện trong vòng chỉ một phút sau khi Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải mở cửa sáng cùng ngày. Ngay lập tức, giá vàng tại thị trường Niu Oóc cùng thời điểm “bốc hơi” 48 USD/oz, xuống còn 1.080 USD/oz, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2010. Trong vòng hai phút, khoảng 33 tấn vàng trị giá 1,3 tỷ USD đã được “sang tay” trên hai thị trường Thượng Hải và Niu Oóc. Thậm chí, lực bán quá mạnh đã khiến giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME) bị ngắt hai lần trong vòng chỉ một phút trước 9 giờ 30 tối 19-7, tức sáng 20-7 theo giờ châu Á. Nguyên nhân của phiên bán tháo này được các nhà giao dịch và giới phân tích cho rằng, một phần nguyên nhân đến từ việc bán dừng lỗ. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, sáng 21-7, giá vàng trong nước tăng nhẹ, với mức tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều hôm trước đó. Tại thị trường Hà Nội giá vàng SJC giao dịch ở mức 32,85 triệu đồng mua vào, bán ra: 33,12 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, Tập đoàn Doji niêm yết giá giao dịch mua/bán vàng SJC ở mức 32,95 triệu đồng/33,1 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, tập đoàn này tăng giá mua vàng thêm 80.000 đồng/lượng lên mức 33,03 triệu đồng/lượng và duy trì giá bán ra 33,15 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên sáng.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc tăng giá này không duy trì được lâu, do giá vàng thế giới tiếp tục giảm bởi áp lực từ thông tin nâng lãi suất của Fed và các nền kinh tế trên thế giới đang hồi phục mạnh, khiến công cụ dự trữ không được chú ý của các nhà đầu tư. Vậy, có nên đầu tư vào vàng trong thời điểm này? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn chia sẻ: Cá nhân tôi cho rằng, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào vàng. Đối với những nhà đầu tư vàng thật sự, dùng tiền vốn quay vòng, nếu muốn cắt lỗ, nên bán ngay bởi thị trường rơi sẽ thiệt hại lớn.

Đối với người dân dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyên “nên kiên nhẫn không bán ngay vì sẽ có những khoảng phục hồi nhẹ để cắt lỗ tốt hơn. Cần quan sát thị trường chặt chẽ. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp là người phải có kế hoạch chốt lời và cắt lỗ đúng thời điểm, hợp lý để tránh tổn thất”.

Cũng có ý kiến nhận định, nếu giá vàng tiếp tục xuống, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào. Tuy nhiên, xu hướng giá vàng hiện vẫn rất khó đoán định. Vì thế, cần cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dẫu vậy, trên thực tế, ba tháng trở lại đây, trong các kênh đầu tư thì vàng đang “nhường ngôi” cho chứng khoán và bất động sản đang phục hồi.