Ðẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 34 doanh nghiệp mà UBND thành phố là đại diện sở hữu và thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố tại 67 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải tích cực tháo gỡ mới có thể bảo đảm tiến độ.

Báo cáo về nội dung này tại kỳ họp thứ 11 HÐND thành phố Hà Nội khóa 15, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong số 15 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa, mới chỉ có Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) hoàn thành công tác này, một doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức sắp xếp khác do không đủ điều kiện cổ phần hóa, hiện nợ của doanh nghiệp này còn lớn hơn vốn sở hữu. Như vậy, Hà Nội còn tới 13 doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa trong thời gian tới.

Về thoái vốn nhà nước đầu tư tại 34 doanh nghiệp mà UBND thành phố là đại diện sở hữu, hiện thành phố mới thoái được vốn ở bảy doanh nghiệp. Nhưng trong đó, có ba doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng đấu giá không thành công. Trong số 67 doanh nghiệp trực thuộc thành phố, đã thoái vốn nhà nước trong 29 doanh nghiệp. Còn lại, hầu hết đều mới đang triển khai các bước như: thuê tư vấn, rà soát sắp xếp nhà đất, xác định giá trị doanh nghiệp... Theo UBND thành phố Hà Nội, sự chậm chạp này có nguyên nhân khách quan do Chính phủ bổ sung thêm các quy định, khiến quá trình cổ phần hóa chặt chẽ hơn, nhiều bước hơn. Ðơn cử, trước đây thành phố chỉ phải sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng hiện nay, thành phố phải sắp xếp cả doanh nghiệp sở hữu 51% vốn nhà nước. Quá trình rà soát, sắp xếp đòi hỏi nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hơn. Về nguyên nhân chủ quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa vẫn còn tâm lý e dè do liên quan đến công tác tài chính và tổ chức cán bộ.

Ðể khắc phục tình trạng này, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 243/CTr-UBND về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ðể tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đáng chú ý, đối với các doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng; đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NÐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành, gửi Sở Tài chính chủ trì cùng liên ngành thẩm định, trình UBND thành phố theo quy định.

Riêng công ty mẹ các tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con phải tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, của cán bộ quản lý; kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Thủ trưởng các đơn vị, giám đốc doanh nghiệp làm trì hoãn tiến trình cổ phần hóa sẽ bị xử lý về công tác cán bộ. Với những bất cập, vướng mắc, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành sẽ tăng cường nắm bắt, tháo gỡ, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ. Tích cực đẩy nhanh tiến độ nhưng không vì thế mà để ảnh hưởng đến chất lượng công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp".