Quy hoạch - Đầu tư

Ưu tiên quỹ đất xây trường học trong khu đô thị

Chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, áp lực dân số tăng cao trong khi trường học không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tạo sức ép lớn cho ngành giáo dục. Mới đây, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục kiến nghị, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô; thu hồi đất của các dự án chậm triển khai để bàn giao cho UBND quận, huyện xây dựng trường theo quy định.

Báo cáo mới nhất của HÐND thành phố Hà Nội về kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay chỉ rõ, có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Ðiển hình như các khu đô thị mới Phùng Khoang, Xuân Phương-Viglacera, Thành phố giao lưu, Ðoàn Ngoại giao, Cổ Nhuế - Xuân Ðỉnh, Ðặng Xá, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Việt Hưng; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, khu nhà ở để bán Vĩnh Hoàng, khu chức năng đô thị Ao Sào, khu nhà ở Thạch Bàn,...

Qua giám sát cũng cho thấy, nhiều dự án được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng các nhà đầu tư này chậm triển khai. Như tại khu đô thị Tây Nam hồ Linh Ðàm quy hoạch sáu ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên hiện mới chỉ hoàn thành, đưa vào sử dụng một trường tiểu học. Còn năm ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị, Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng hai ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát, nhưng chưa xây dựng công trình; hai ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; một ô đất (TH4) đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tại khu đô thị mới Việt Hưng, HUD đã chuyển giao năm lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2, nhưng đến nay chỉ có một công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ. Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có khu đô thị chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao... Do vậy, để giải bài toán quỹ đất xây dựng trường học, HÐND thành phố đề nghị các cơ quan trung ương đã thực hiện di dời trụ sở bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội quản lý, khai thác sử dụng để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó có trường học.

Đồng tình với đề xuất này, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra việc điều chỉnh quy hoạch phần lớn theo xu hướng giảm đến mức thấp nhất các tiện ích công cộng, trong đó có đất xây trường học, tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các quận của Hà Nội thiếu hệ thống trường học. Hệ lụy là nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, kéo theo tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường tăng cao, thiếu trường học. Thực trạng đó cần được các cơ quan quản lý nhìn nhận, từ đó đưa ra định hướng xây dựng quy hoạch đô thị bền vững trong tương lai. Nhất là cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ trong dự án. Kiên quyết không cấp đất dự án mới cho những chủ đầu tư cố tính chây ỳ, kéo dài thời gian xây dựng trường học. UBND thành phố chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các khu đô thị; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô; thu hồi các dự án chậm triển khai, để bàn giao cho UBND quận, huyện xây dựng trường học theo quy định.