Quy hoạch - Đầu tư

Ưu tiên cho hạ tầng đô thị xanh

Ðể giải quyết bài toán áp lực đô thị hóa, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự mất cân bằng trong quá trình phát triển, trong đó, việc triển khai xây dựng các đô thị sinh thái được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, GS, TS, KTS Ðỗ Hậu cho biết, Hội đang triển khai đồ án "Nghiên cứu đồ án quy hoạch đô thị sinh thái theo quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội" trên cơ sở xây dựng những tiêu chí về đô thị sinh thái, thông qua bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới, chỉ số đô thị tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái, Tiêu chuẩn đánh giá về khả năng cạnh tranh của một đô thị, Tiêu chí đánh giá đô thị lành mạnh, Bộ chỉ số về đô thị xanh... Từ đó sẽ xây dựng bộ tiêu chí về đô thị sinh thái phát triển bền vững trong điều kiện của Thủ đô.

Ðồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng cho việc hình thành các thị trấn sinh thái trong khu vực hành lang xanh; khuyến khích sự phát triển của các đô thị này theo mô hình sinh thái, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Ðến nay, Hà Nội đã phê duyệt bốn thị trấn sinh thái, gồm Chúc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ và Phú Xuyên. Ðối với chủ trương xây dựng khu đô thị mới, Hà Nội cũng hạn chế xây dựng các nhà cao tầng đơn lẻ mà tập trung cho việc phát triển các dự án quy mô lớn tại khu vực ngoại ô như Khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên), Khu đô thị Park City (quận Hà Ðông).

Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi các quy định, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý phát triển đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã và đang diễn ra khiến đô thị Hà Nội phải đối diện nhiều thách thức lớn về quy hoạch, môi trường, hạ tầng cơ sở. Theo các chuyên gia, phát triển mô hình đô thị sinh thái sẽ đáp ứng mục tiêu cân bằng giữa khu vực làng xóm hiện hữu và khu phát triển mới, giảm việc di dân. Các đô thị sinh thái sẽ đem lại lợi ích xã hội cho người dân đang sinh sống tại các khu làng xóm hiện hữu, chuyển đổi các mô hình kinh doanh sang giá trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tương lai gắn liền với việc bảo tồn làng xóm hiện hữu.

TS, KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, các thị trấn sinh thái cần được phát triển theo hướng hạn chế các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, quản lý chặt chẽ về mật độ xây dựng, tầng cao công trình, loại hình công trình, hình thái kiến trúc... Cùng với đó là hình thành các thị tứ để thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bao gồm các chức năng về hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, trung tâm hỗ trợ sản xuất...

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Ðỗ Hậu cho rằng, để hình thành được các thị trấn sinh thái làm động lực cho quá trình phát triển của các khu vực nông thôn, nơi đang duy trì tổ chức làng xóm hiện hữu, cần ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ kỹ thuật, vật liệu sạch. Ðối với Thủ đô Hà Nội, việc đưa nội dung phát triển xanh, tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là hết sức cần thiết. Tất cả những vấn đề như cấp thoát nước, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế và không gian xanh đô thị đều phải được tính toán hợp lý để triển khai đồng bộ.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc phát triển đô thị sinh thái hay thị trấn sinh thái không chỉ là xu hướng của Hà Nội, mà của cả thị trường bất động sản Việt Nam, cho nên cần xây dựng chính sách cụ thể để ưu tiên phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.