Quy hoạch - đầu tư

Từng bước xây dựng thành phố thông minh

Ðể xây dựng thành phố thông minh cần thực hiện nhiều phần việc, song bắt buộc quy hoạch phải đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo. Nhằm bảo đảm tính chiến lược, phát triển bền vững đô thị, việc xây dựng thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh cần phải sớm thực hiện.

Muốn xây dựng thành phố thông minh thành công phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh. Trước tiên phải xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch và việc lồng ghép những nội dung này vào chiến lược đô thị hóa. Theo nhận định của đại diện Bộ Xây dựng: Việc xây dựng đô thị thông minh phải thực hiện một cách bài bản theo quy hoạch. Quản lý phát triển đô thị thông minh cần theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị, tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng thành phố thông minh với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị, tạo ra cơ hội phát triển con người, để không ai bị bỏ lại phía sau. Vì thế, có rất nhiều việc phải làm. Luật Quy hoạch đã được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, là cơ sở để tích hợp các loại quy hoạch, tạo điều kiện triển khai xây dựng thành phố thông minh. Luật cũng đưa ra phương pháp tiếp cận mới mang tính tổng hợp, tích hợp quy hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Ðáng chú ý, Luật Quy hoạch quy định phải loại bỏ tính "nhiệm kỳ" trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Ðây là lợi thế để Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác giải quyết bài toán định hướng chiến lược, tầm nhìn quy hoạch kết nối.

Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, vì vậy phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực. Hà Nội đã xác định, để xây dựng thành phố thông minh, thành phố cần giải quyết năm nhóm vấn đề. Trong đó, nhóm vấn đề được ưu tiên đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Hà Nội sẽ phát triển ứng dụng thông minh hỗ trợ ra quyết định trong công tác lập, thẩm định, công bố công khai quy hoạch đô thị. Phát triển hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch và tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản hồi của cộng đồng, giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị. Ðồng thời, đổi mới lý luận cũng như phương pháp lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Nhóm vấn đề thứ hai là phát triển hạ tầng đô thị thông minh, trong đó đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Nhóm vấn đề thứ ba là phát triển các tiện ích, dịch vụ công cộng thông minh cho dân cư đô thị, đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, khuyến khích các mô hình giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe trực tuyến... Thứ tư, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thông minh bền vững. Thứ năm, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.

Như vậy, ba trụ cột chính, gồm công nghệ, con người và quản trị đã được TP Hà Nội xác định rõ và đang tập trung huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện.