Tổ chức không gian đô thị khoa học

Ngầm hóa lưới điện và đường dây thông tin là một trong những chủ trương lớn nhằm chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan đường phố. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm và việc hoàn trả mặt đường còn nhiều vấn đề phải bàn.

Đợt dịch Covid-19 đầu năm nay đã làm chậm kế hoạch triển khai công tác hạ ngầm đường dây nổi trên các tuyến phố. Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, tiến độ triển khai thi công hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông, điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 cho đến thời điểm này đã rất chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, do vậy, nếu không có giải pháp kịp thời thì tiến độ sẽ càng chậm hơn.
 
 Sau bốn năm triển khai hạ ngầm đường dây viễn thông, điện lực theo hình thức xã hội hóa, đến đầu tháng 7-2020 các đơn vị đã hoàn thành hạ ngầm đường dây trên 145 tuyến phố trong tổng số 255 tuyến phố trong kế hoạch. Trên cơ sở các tuyến phố dự kiến hạ ngầm (đợt 6) do các quận đề xuất và gửi các doanh nghiệp, Sở Xây dựng đã tổng hợp danh mục 60 tuyến do các nhà đầu tư đăng ký và đang xin ý kiến các sở, ngành chức năng có liên quan và trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
 
 Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát hoàn trả hè đường và bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến phố thi công hạ ngầm. Chủ đầu tư phối hợp các nhà thầu tăng cường kiểm tra hiện trường, bảo hành các vị trí hoàn trả hè đường bị lún sụt, thu dọn hết vật liệu thừa, phế thải xây dựng; hoàn thiện các hạng mục thi công bảo đảm an toàn giao thông, thu dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị.
 
 Từ tháng 5 đến nay, các quận, huyện đang tập trung lát đá vỉa hè trên nhiều tuyến phố. Việc này có thể dẫn đến tình trạng đường, vỉa hè mới hoàn thiện duy tu đã bị đào lên để thực hiện hạ ngầm, do đó mới đây, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp đồng bộ trong thi công vỉa hè, đường phố, tránh để xảy ra tình trạng chồng lấn, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, khiến dư luận bức xúc.
 
 Câu chuyện vỉa hè, lòng đường vẫn luôn được dư luận quan tâm. Bởi nó gắn với việc đi lại, buôn bán kinh doanh... của người dân. Để bảo đảm sự đồng bộ, nhu cầu đi lại của người dân sau khi hoàn thiện lát vỉa hè, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc tổ chức không gian, sắp xếp hàng hóa, phương tiện trên các tuyến phố đủ điều kiện; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm để không ảnh hưởng chất lượng, tính hiệu quả của dự án.
 
 Trong bốn năm qua, Hà Nội đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên vẫn tồn tại không ít bất cập, như chưa có sự thống nhất tổ chức không gian toàn bộ đô thị trung tâm; chức năng không phù hợp tính chất và quy mô các loại đường, tiện nghi đô thị xen cấy chưa khoa học, quản lý chồng chéo. Các chuyên gia nhìn nhận, khó khăn của thành phố Hà Nội cũng là khó khăn chung của các đô thị Việt Nam hiện nay. Muốn thay đổi ngay trong một sớm một chiều là điều không đơn giản. Do đó, để có bộ mặt đô thị luôn khang trang, rất cần những giải pháp đồng bộ. Quan trọng hơn cả, là công cụ, quy chế về quản lý vỉa hè, lòng đường phải được giám sát, thực hiện nghiêm ngặt.