Tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển

Với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, nhiều đơn vị nghệ thuật gắn với nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn cùng hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đổi mới phương thức hoạt động, so với các địa phương khác trong cả nước, Hà Nội là địa bàn có nhiều tiềm năng nhất để phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động mang tính bổ trợ cho công tác phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô trong những năm tới. Nguồn lực văn hóa được hiểu là tổng thể các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp văn hóa. Ðể cụ thể hóa nghị quyết Ðại hội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, trong đó nêu rõ mục tiêu trong 5 năm tới là xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Thành phố đặt nhiệm vụ cụ thể là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tăng cường và đa dạng các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Chỉ hai tuần sau khi ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 9-4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU về triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết sẽ đánh giá thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội. Từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn, thách thức để định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, định hướng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người; đồng thời bảo tồn, khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Với cách làm bài bản này, hy vọng trong thời gian tới thành phố sẽ có các cơ chế, chính sách khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, thu hút được nguồn lực đầu tư, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển thị trường văn hóa, bảo tồn và khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội, đóng góp đáng kể cho kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Việt Anh