Tăng tốc liên kết để phát triển

Xác định giao thông là “huyết mạch” để phát triển kinh tế, trong thời gian qua Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới giao thông. Cùng với vốn đầu tư từ ngân sách, thành phố cũng tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo định hướng quy hoạch, khu vực phía bắc sông Hồng trong tương lai sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng với Hà Nội. Vì vậy, thành phố đang nỗ lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh, vùng với trung tâm Hà Nội. Trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Tứ Liên, một trong số 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng, nằm giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân, vừa được công bố phương án kiến trúc. Như vậy, sắp tới, một cây cầu hiện đại, kết nối đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai 3, khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm thành phố sẽ hình thành. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía bắc sông Hồng, mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân và giảm áp lực giao thông trong khu vực đô thị lõi. Cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành sẽ kết nối nhanh khu vực phía bắc, đông bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với trung tâm Hà Nội, nhằm giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên và cầu Thăng Long, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông khung cho Hà Nội. Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin, Mỹ) cho biết, để bảo đảm lưu lượng giao thông theo quy hoạch, mặt cắt cầu gồm sáu làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp và hai làn đi bộ với chiều rộng cầu 43,11 m, chiều dài nghiên cứu khoảng 2.466 m, có năm nút giao khác mức liên thông nhằm kết nối cầu, đường dẫn đầu cầu với các tuyến đường hai bên bờ sông Hồng, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Cầu sẽ sử dụng phương án kỹ thuật cầu dây văng tiên tiến. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án hơn 19 nghìn tỷ đồng.

Việc xây dựng thêm nhiều cây cầu nối liền hai bên bờ sông Hồng, trong đó có cầu Tứ Liên, đã và đang tạo thêm động lực để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Và để tạo nguồn lực xây dựng phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô, Hà Nội đã có những đề xuất với Chính phủ xem xét cho thành phố được thực hiện một số cơ chế đặc thù. Gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội phải đặt trong mối quan hệ thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của Thủ đô cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và cả nước.

Nhiều chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị nhận định, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Để đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại, việc đầu tư xây dựng thêm cầu qua sông Hồng là rất cần thiết. Thành phố Hà Nội cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo quy hoạch.