Tầm nhìn quy hoạch đô thị

Trong những năm gần đây, việc xây dựng các công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội luôn trở thành vấn đề “nóng”, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về vấn đề này.

Gần đây, dư luận lại dấy lên việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc tại hai khu đất trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Khu đất thứ nhất tại địa chỉ 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng 2.254 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng Ngân hàng SHB cao 45 m, quy mô 14 tầng, một tum. Khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng 1.076 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Nội, với quy mô chiều cao tối đa 12 tầng. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ có ý kiến chính thức khi có đầy đủ hồ sơ. Chính phủ đã có quyết định yêu cầu hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực nội đô, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người. UBND thành phố Hà Nội cũng có văn bản chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng trong một số trường hợp quy định hạn chế.

Gần đây nhất, trong Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 19-2-2019, có đề cập đến nội dung nêu trên. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng các quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện… khỏi khu vực nội thành, gắn với bố trí quỹ đất và hạ tầng phục vụ các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị. Bàn về vấn đề xây dựng các tòa nhà cao tầng trong nội đô, kiến trúc sư Khuất Tuấn Hưng (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết, quy chế quản lý, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô được ban hành đã mở đường cho việc quản lý và định hình công tác quy hoạch kiến trúc trong giai đoạn hiện nay, tạo ra một công cụ mới để khắc phục những hạn chế đối với công tác quy hoạch, kiến trúc trong thời gian qua. Nếu xây dựng quá nhiều công trình cao tầng trong nội đô sẽ khiến người dân mất đi cơ hội được tiếp cận và sở hữu các khoảng không gian công cộng, không gian xanh đô thị, còn thành phố dần mất đi năng lực nâng cao tiện nghi đô thị và gia tăng sức cạnh tranh.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, đối với những công trình cao tầng của Hà Nội chuẩn bị đưa vào triển khai trong thời gian tới, phải xác định rõ ràng chức năng sử dụng. Hiện nay, các chung cư cao tầng của Hà Nội là những tòa nhà đa chức năng vừa dùng để khai thác thương mại, dịch vụ, vừa dùng để làm chỗ ở, dễ dẫn đến sự lộn xộn về chức năng sử dụng. Nhưng nếu công trình đó mang lại nhiều hơn những lợi ích cho người dân, mà bảo đảm các nguyên tắc thì nên làm và cần phải làm, bởi khi đó người dân mới có nơi ở và tạo ra thêm những tiện ích cho đô thị.

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, các nhà quản lý phải xác định rõ tầm nhìn để đô thị phát triển ổn định, lâu dài. Nhất thiết, quy hoạch phải gắn với thực tế cho từng khu vực, khi thực hiện phải quản lý chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình cao tầng để tạo ra các đô thị đáng sống. Những chỉ tiêu về chỗ để xe cũng được xem là cách để quản lý tốt tỷ lệ diện tích hỗn hợp, tránh làm gia tăng áp lực hạ tầng khi xây dựng công trình. Các công trình cao tầng hỗn hợp tại khu vực nội đô cần tuân thủ các quy định về khoảng đệm, khoảng lùi và cây xanh để làm đẹp kiến trúc cảnh quan khu vực và tránh xung đột về giao thông.