Quy hoạch - Đầu tư

Quyết liệt hơn với vi phạm xây dựng

Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng thời gian vừa qua diễn ra dai dẳng, chưa có hồi kết, trong khi đó, vi phạm mới vẫn xảy ra. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng chế tài xử phạt, tăng hình thức xử lý kỷ luật cán bộ.

Do kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đạt thấp, mới xử lý được hai trong số 40 trường hợp cần xử lý, cho nên cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu UBND các quận, huyện có các vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ giai đoạn 2015-2016 nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức triển khai cưỡng chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Các địa phương còn vi phạm tồn đọng gồm các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm; các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất. Các công trình vi phạm tồn đọng gồm các công trình nhà ở do cá nhân đầu tư xây dựng và cả những dự án bất động sản lớn như công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (quận Ba Đình); tòa nhà Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); chung cư cao tầng số 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân)... UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết với UBND thành phố về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; định kỳ báo cáo thành phố. Đáng chú ý, thành phố giao các sở: Quy hoạch và Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục hồ sơ liên quan các dự án vi phạm để đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để giải quyết theo quy định. Trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định dự án không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư còn tồn đọng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Phân tích nguyên nhân khiến vi phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn biến phức tạp, các chuyên gia quản lý đô thị chỉ ra nhiều vấn đề, trong đó, có những nguyên nhân chủ yếu như do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, giá trị thương mại lớn, nhất là khu vực trung tâm, cho nên các cá nhân, chủ đầu tư dự án bất động sản đã không ngần ngại tự ý thay đổi thiết kế, chồng tầng... nhằm tăng diện tích ở, hoặc để kinh doanh kiếm lời. Trong khi đó, chế tài xử lý hiện nay còn nhẹ, cần tăng mức xử phạt lên để tạo sức răn đe. Ông Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay: Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, khung xử phạt hành chính cao nhất đối với các hoạt động xây dựng là một tỷ đồng. Số tiền này không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được từ hàng chục căn hộ sai phép. Ông Trần Huy Ánh cho rằng, cần quyết liệt hơn trong việc quy trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở nếu để xảy ra vi phạm, không chỉ dừng lại ở cảnh cáo, khiển trách mà có thể cách chức và buộc thôi việc.

Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, UBND thành phố và các cấp, ngành đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý trật tự xây dựng và thực tế, tỷ lệ công trình có phép ngày càng tăng, việc kiểm soát các công trình chặt chẽ hơn, nhưng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại những dự án bất động sản. Thành phố Hà Nội đã có văn bản quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, ngành chuyên môn trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Đến nay, đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Riêng năm 2018, UBND thành phố kỷ luật 41 cán bộ, công chức, viên chức, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý kỷ luật 28 thanh tra xây dựng. Đây là những việc làm rất cần thiết, cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền trong công tác quản lý trật tự xây dựng.