Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Thành ủy Hà Nội khóa 17 vừa  ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình xác định mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Đáng chú ý, chương trình đặt ra nhiệm vụ phát triển kinh tế đô thị, phát triển Hà Nội thành trung tâm giao thương, kinh tế lớn của khu vực và châu Á.

Một góc khu đô thị phía tây Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Một góc khu đô thị phía tây Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được của Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Ghi nhận những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, song thành phố cũng thừa nhận một số hạn chế như tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và tương xứng với tiềm năng; tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị chưa cao; việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc... Đây là cơ sở để Thành ủy Hà Nội đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ để có những bước đột phá về xây dựng, phát triển đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Chương trình đề ra mục tiêu là phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững; xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt nêu trên, chương trình đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên rà soát, triển khai các quy hoạch đồng bộ; tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sống; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị, phát triển nhanh hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, đô thị vệ tinh; tăng cường quản lý đô thị; phát triển kinh tế đô thị; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông - Nam Á. 

Chương trình đã nêu rõ sáu giải pháp trọng tâm. Trước hết là xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị…

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ

Việc thực hiện thành công Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ quyết định đến diện mạo của thành phố và chất lượng cuộc sống của người dân trong thời gian tới. Các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương đóng vai trò then chốt trong công tác triển khai. Hiện nay, Sở Xây dựng được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ là Thường trực chương trình. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phòng cho biết, Sở đang khẩn trương phối hợp các sở, ngành, đơn vị để tham mưu, xây dựng kế hoạch của UBND thành phố nhằm sớm triển khai chương trình từ đầu quý II - 2021. Về công việc đặc thù, Sở Xây dựng sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nhà ở xã hội; tập trung triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sống của người dân; hoàn thành xây dựng đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang các công trình kiến trúc có giá trị; triển khai hạ ngầm cáp điện, viễn thông trên 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ... 

Đối với phát triển giao thông - một trong những vấn đề quan trọng nhất của chương trình, các nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, nhất là nâng tỷ lệ quỹ đất giao thông khu vực đô thị lên khoảng 12 đến 15%; hoàn thành hệ thống đường vành đai, các trục hướng tâm; giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, mới đây, Sở đã đề xuất danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có sáu dự án đường sắt đô thị; năm tuyến đường vành đai; chín cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống; năm dự án cải tạo quốc lộ kết nối Thủ đô với các tỉnh lân cận. Nếu triển khai đúng tiến độ, tình hình giao thông Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa tập trung vào nhiệm vụ triển khai sáu đồ án quy hoạch nội đô; hướng tới việc giãn dân, xây thêm các công trình công cộng, cải tạo chung cư cũ, tập trung xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng... Đối với khối huyện, nhất là các huyện chuẩn bị lên quận đều đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành đô thị hiện đại trong tương lai.