Ngăn trục lợi, ngừa tranh chấp

Thông tư số 07/2019/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Hy vọng Thông tư này sẽ góp phần ngăn ngừa những vấn đề xảy ra tại các dự án khi chủ đầu tư lách luật để xây dựng thêm tầng để trục lợi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư số 07/2019/TT-BXD, quy định: Ðối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (thí dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300 m2. Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.

Thực tế trước đây, do Thông tư số 03/2016/TT-BXD chưa quy định chặt chẽ, cộng với sự buông lỏng của một số cơ quan quản lý, cho nên các chủ đầu tư đã lợi dụng kẽ hở để nâng tầng tại nhiều dự án. Tình trạng tự ý thay đổi công năng sử dụng diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều dự án đã biến tầng kỹ thuật, tầng tum thang thành căn hộ hay "cắt xén" tầng thương mại của tòa nhà xây thêm căn hộ để bán..., gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến những tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án với cư dân. Các vi phạm này khiến cơ quan chức năng mất nhiều công sức, thời gian để xử lý, thậm chí, không ít công trình sau nhiều năm chưa thể giải quyết dứt điểm.

Liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án trên địa bàn Hà Nội, qua rà soát, kiểm tra khoảng 3.000 công trình nhà ở cao tầng, lực lượng chức năng phát hiện hơn 300 vi phạm các loại. Trong đó, hơn 100 dự án, công trình xây dựng không phép. Mới đây nhất, lực lượng chức năng quận Hà Ðông đã tổ chức phá dỡ công trình công viên nước Thanh Hà sau khoảng sáu tháng đưa vào sử dụng, do chủ đầu tư xây dựng mà chưa được cấp phép. Và điển hình cho vi phạm xử lý kéo dài vì rất nhiều nguyên nhân là dự án 8B phố Lê Trực, quận Ba Ðình. Dự án này không những xây vượt tầng, mà còn xây vượt diện tích sàn xây dựng. Cho đến nay, việc xử lý, cưỡng chế phần vi phạm tại dự án vẫn chưa dứt điểm.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, Thông tư 07/2019/TT-BXD được ban hành nhằm sửa đổi, thay thế một số quy định không còn phù hợp. Một số quy định của Thông tư số 03/2016/TT-BXD sẽ được đưa sang thông tư mới, trong đó có một số quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng bằng những quy định rõ ràng về tầng tum, tầng lửng, tầng kỹ thuật. Thí dụ, tầng tum được quy định có diện tích không quá 30% diện tích của sàn mái và phần tum đó chỉ được dùng để che chắn khu vực kỹ thuật. Còn đối với quy định về tầng lửng thì chỉ tính cho nhà ở riêng lẻ, có diện tích không quá lớn, tối đa bằng 65% diện tích của sàn xây dựng ngay bên dưới.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, những hướng dẫn rõ ràng thông qua việc tính toán chi tiết các hạng mục công trình sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý nhà nước tại các dự án nhà cao tầng, góp phần ngăn ngừa việc nâng tầng sai quy định, tránh tình trạng các chủ đầu tư lợi dụng "kẽ hở" để chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm trục lợi, có thể dẫn đến hậu quả xảy ra tranh chấp, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Nhiều chuyên gia quản lý đô thị nhận định, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là tại các dự án khu đô thị, nhà cao tầng, rất cần sự vào cuộc giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Ngoài việc nâng cao chế tài xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm, cũng cần xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu không làm tròn trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đô thị, cố tình bao che sai phạm.