Ngăn chặn tác động xấu

Câu chuyện tranh chấp về quản lý và sử dụng tại các tòa nhà chung cư vẫn chưa có hồi kết, khi những vướng mắc chưa được xử lý ổn thỏa. Để sớm giải quyết vấn đề, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một số văn bản có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Ngay đầu tháng 2, những mẩu tin rao bán căn hộ tại một dự án ở quận Nam Từ Liêm vì chủ đầu tư tự ý tăng giá dịch vụ, không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị... lại tạo ra sự lo ngại trong tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Theo một số người dân, họ chấp nhận bán lỗ vốn căn hộ vì đã quá mệt mỏi trước những tranh chấp kéo dài với chủ đầu tư. Đây chỉ là một trong số hàng trăm tòa nhà chung cư đang có tranh chấp trên địa bàn Hà Nội.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có khoảng 400 tranh chấp liên quan quỹ bảo trì chung cư. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên do các chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng việc thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ, mà chưa quan tâm nghĩa vụ sau bán hàng, cho nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung mà đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, ở một số chung cư, mức thu quỹ bảo trì của cả tòa nhà lên tới vài chục tỷ đồng. Bộ Xây dựng đã kiến nghị Bộ Công an chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, nhất là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà trái quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT - BXD sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, nhằm góp phần giải quyết tranh chấp chung cư. Trong đó, đối với quy định về quản lý kinh phí bảo trì chung cư, Thông tư số 06 quy định chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể do một hoặc nhiều thành viên ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản. Đối với quyết định chi tiêu quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thực hiện biểu quyết theo quy định, trường hợp ban quản trị tòa nhà chung cư quyết định việc bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì phải có ít nhất 75% tổng số thành viên ban quản trị đồng ý.

Thực hiện quy định mới này, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng chung cư, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ tổ chức hội nghị nhà chung cư thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2%, xác định và bàn giao diện tích chung - riêng cho ban quản trị nhà chung cư. Xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các nhà chung cư để xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng, từ đó, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để hình thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng.

Các chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, các giải pháp nêu trên chỉ mới giải quyết vấn đề trước mắt. Bởi những tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân hiện nay xuất phát từ sự tối đa hóa lợi ích của chủ đầu tư, bất chấp lợi ích người mua nhà; trong khi khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Do vậy, để khắc phục hạn chế và bảo đảm việc vận hành quản lý chung cư sớm đi vào nền nếp, các cơ quan chức năng cần có thêm quy định kiểm soát chặt chẽ, minh bạch quỹ bảo trì để “bịt” kẽ hở dẫn tới tiêu cực, gây mất an ninh trật tự và tác động xấu đến thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cá nhân khi chậm trễ giải quyết các tranh chấp.