Quy hoạch-Ðầu tư

Không để tình trạng lãng phí kéo dài

Theo báo cáo kết quả giám sát của HÐND thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 380 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người bị thu hồi đất, tạo dư luận không tốt.

Kết quả giám sát của HÐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai vi phạm Luật Ðất đai đã chỉ rõ 383 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các địa phương có số dự án vi phạm lớn, gồm huyện Hoài Ðức với 51 dự án, huyện Mê Linh với 50 dự án; quận Nam Từ Liêm với 48 dự án, quận Hoàng Mai với 25 dự án… Tại huyện Hoài Ðức, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch là một thí dụ điển hình. Từ năm 2008, chủ đầu tư đã thu hồi đất của người dân, nhưng sau hơn mười năm mới chỉ xây dựng được cổng chào, sáu đến bảy dãy nhà liền kề, một vài đoạn đường dang dở. Ðại diện UBND huyện Hoài Ðức cho biết, nhiều dự án chậm triển khai là hệ quả của việc dễ dãi trong công tác cấp đất, phê duyệt dự án. Nhiều dự án thiếu tính thực tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai được HÐND thành phố Hà Nội chỉ rõ là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt, thiếu năng lực; quy định chiều cao công trình trong nội đô... Trước tình trạng này, HÐND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố đăng công khai, định kỳ sáu tháng/lần, danh sách các dự án chậm triển khai, trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Ðất đai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng. Ðồng thời, UBND thành phố tiếp tục rà soát, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm theo quy định. Biện pháp mạnh nhất là thu hồi các dự án chậm tiến độ; không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Ngày 23-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, để đất hoang hóa. Chỉ thị nêu rõ: Ðối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai; đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III-2019. Các địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia nhận định, dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đời sống người dân. Vì vậy, sau khi xác định rõ những dự án chậm tiến độ, không phát huy được hiệu quả sử dụng đất, các cấp, các ngành của thành phố cần sớm giải quyết dứt điểm. Các cơ quan tham mưu cấp phép cần khảo sát kỹ lưỡng thị trường để tính toán lại nhu cầu thực tế của từng dự án, căn cứ năng lực tài chính của nhà đầu tư để quyết định dự án nào được tiếp tục triển khai. Kiên quyết thu hồi những dự án không có tính khả thi, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính; Ðồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thủ trưởng đơn vị có liên quan trong việc đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.