Kết hợp chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông thoát nước

Ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân đến cầu Mai Động thành khu vực sinh hoạt cộng đồng kết hợp với dịch vụ thương mại vừa được đề xuất tại hội thảo ngày 15-8 được nhiều người dân Thủ đô quan tâm. Dẫu còn trăn trở với bài toán kinh phí, song có không ít ý kiến cho rằng vấn đề này đáng để các cấp chính quyền, cơ quan quản lý lưu tâm.

Thạc sĩ quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh, đại diện đơn vị tư vấn đề xuất cho biết, ý tưởng cải tạo môi trường sông Kim Ngưu được tham khảo từ kinh nghiệm của dự án Cheongyecheon River (Hàn Quốc) và sông Zhangziagang (Trung Quốc). Dự án chú trọng đến cảnh quan đô thị, hình ảnh tuyến phố thông qua việc cải tạo, chỉnh trang thiết kế đô thị hai bên bờ sông Kim Ngưu. Toàn bộ nước thải sẽ được xử lý và hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ ba tầng dọc theo đường Kim Ngưu để thu hút du lịch và phát triển thương mại. Đề án sẽ xây dựng tuyến cống ngầm dưới lòng sông, thu gom toàn bộ hệ thống nước thải của các hộ dân hai bên bờ sông, cũng như nguồn nước hỗn hợp từ lưu vực phố Lò Đúc, Trần Khát Chân. Mặt sông sẽ thu gom nước mưa, nước mặt đã qua xử lý và sẽ bơm nước sạch bổ sung cho sông từ trạm bơm Yên Sở, bảo đảm mặt nước sông Kim Ngưu không bốc mùi khó chịu, tạo nên không gian cảnh quan đường phố, hình thành điểm du lịch, thương mại dịch vụ.

Đề xuất nêu trên nhận được nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo phương án và phương pháp cải tạo cần phải được tính toán kỹ lưỡng. PGS, TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3 km của sông Kim Ngưu. Bởi dòng sông đang gánh lượng nước thải lớn không qua xử lý từ các tuyến đường Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao từ hai đến ba mét so với đáy sông, gây ô nhiễm không khí nặng.

Trên phương diện của cơ quan quản lý, PGS, TS Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đồng tình với ý tưởng của đề án và cho rằng nếu không có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây thì người dân mãi bị ảnh hưởng. “Đó là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng chính quyền TP Hà Nội, mà còn của đông đảo các nhà khoa học và người dân”, ông Trúc Anh chia sẻ.

Về cơ sở hạ tầng, PGS, TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, ý tưởng của đề án thiết kế, chỉnh trang lại dòng sông ô nhiễm là phù hợp. “Tuy nhiên, khi nhà đầu tư tiến hành chỉnh trang, thiết kế lại hai bên bờ sông, không nên xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ dày quá sẽ làm mất đi không gian và diện tích mặt nước. Nếu TP Hà Nội chấp thuận cho đề án này triển khai, có thể bố trí một phần đất ở khu vực khác cho nhà đầu tư kinh doanh. Nếu đề án này thiết thực, có thể lấy đó làm mô hình để chỉnh trang lại cho các dòng sông khác cũng đang bị ô nhiễm nặng của Thủ đô”, ông Hải nói.

Với sự phát triển của một đô thị hiện đại, những dòng sông bị ô nhiễm như Kim Ngưu rất cần được cải tạo, chỉnh trang, bởi đã từ lâu rồi, người dân luôn mong muốn các dòng sông như Lừ, Sét, Tô Lịch… được hồi sinh. Thực tế, việc cải tạo, chỉnh trang hai bên sông Tô Lịch, đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi đã đạt hiệu quả tích cực, mang lại cảnh quan mới. Tuy nhiên, chặng đường cải tạo những dòng sông ô nhiễm mới chủ yếu thực hiện được việc kè bờ. Do vậy, nếu ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân đến cầu Mai Động được thực hiện, chắc hẳn bộ mặt đô thị nơi đây sẽ khang trang, hiện đại hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.