Giải quyết bức xúc nhà tái định cư

Từ ngày 2-9-2018, Quyết định số 18/2018/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư bắt đầu có hiệu lực. Ðiểm mới đáng chú ý là nguồn thu từ việc cho thuê tầng 1 được dùng để hỗ trợ công tác bảo trì, quản lý, vận hành tòa nhà.

Nhiều người kỳ vọng, những quy định tại Quyết định số 18/2018/QÐ-UBND sẽ giải quyết những bức xúc bấy lâu nay tại các khu chung cư tái định cư. Thí dụ như khi tòa nhà mất điện, để sử dụng máy phát điện, Ban quản lý sẽ phải mất cả ngày, thậm chí vài ngày mới có đủ điều kiện để vận hành máy phát, bởi các thủ tục hành chính quá rườm rà. Nhưng theo quyết định mới, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư được dùng để phục vụ công tác quản lý, vận hành và bảo trì tòa nhà. Việc hỗ trợ kinh phí bảo trì đối với phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư phục vụ tái định cư bao gồm các hạng mục thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy; máy bơm nước; máy phát điện; hệ thống chống sét và mặt ngoài (không bao gồm cửa, vách kính hoa sắt thuộc sở hữu riêng của các chủ sở hữu) của nhà chung cư.

Thực tế thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng và vận hành nhà tái định cư còn tồn tại nhiều hạn chế. Ðó là tình trạng hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm an toàn; nhiều căn hộ, diện tích tầng 1 bị sang nhượng, sử dụng trái quy định. Nhiều khu tái định cư bị xuống cấp, nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa. Lý giải nguyên nhân việc chậm trễ này, đại diện Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho rằng, nhiều hạng mục cần sửa chữa vượt quá thẩm quyền của đơn vị. Công ty là đơn vị quản lý, chỉ có trách nhiệm tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân kèm theo dự toán để báo cáo Sở Xây dựng xem xét quyết định, còn việc thực hiện như thế nào thì phải chờ ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước. Không chỉ có những hạng mục lớn bị kéo dài thời gian sửa chữa, khắc phục, nhiều thiết bị hư hỏng nhẹ, như hệ thống bóng điện, dây cáp điện chiếu sáng cầu thang… cũng chậm được xử lý. Ðơn vị quản lý, vận hành tòa nhà thường xuyên đổ lỗi do trình tự, thủ tục kéo dài thời gian. Ðể khắc phục tình trạng này, thành phố quy định, việc bảo trì đối với phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung khác của nhà chung cư tái định cư ngoài các hạng mục được hỗ trợ, thì các chủ sở hữu nhà sử dụng kinh phí bảo trì 2%. Trường hợp kinh phí bảo trì 2% không đủ hoặc không có, các chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng góp theo quy định của pháp luật về nhà ở. Ðối với những hư hỏng đột xuất không nằm trong kế hoạch bảo trì hằng năm, thành phố cho phép Sở Xây dựng duyệt ứng vốn và tổ chức xử lý kịp thời để bảo đảm công tác quản lý, vận hành nhà chung cư hoạt động bình thường, an toàn cho người dân.

Những quy định mới tại Quyết định số 18 hy vọng là một giải pháp hữu hiệu góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, vận hành chung cư tái định cư hiện nay. Về lâu dài, UBND thành phố Hà Nội cần thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng. Thành phố sẽ tạo quỹ đất, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở tái định cư theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.