Giải pháp chỉnh trang đô thị

Bài toán chỉnh trang bộ mặt đô thị, nhất là chỉnh trang các tuyến đường nội đô của Hà Nội cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Sức ép của đô thị khiến nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên, làm xấu cảnh quan những tuyến đường mới được mở rộng.

Hà Nội đang tập trung mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nội đô để giúp giảm tải gánh nặng giao thông. Tuy nhiên, mỗi khi một tuyến đường mới được đưa vào sử dụng, hai bên đường lại mọc thêm những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, khiến bộ mặt đô thị trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Mặc dù thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách để giải quyết tình trạng này như cho phép các chủ đầu tư được hợp thửa, hợp khối; thu hồi để xây dựng công trình công cộng..., song chưa thể giải quyết ổn thỏa.
 
 Theo công bố mới đây của Thanh tra Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 130 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng mở rộng đường chưa giải quyết được. Điển hình như trên tuyến Vành đai II, đoạn Minh Khai - Đại La - Trường Chinh, con đường chưa hoàn thành, nhưng hai bên đã xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
 
 Rõ ràng, đây là bài toán đang rất khó giải. Tháng 2-2021, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả", trong đó đưa ra biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Cụ thể, thành phố sẽ thu hồi thêm diện tích đất liền kề dự án để tái định cư tại chỗ cho tất cả những trường hợp bị thu hồi đất và bán đấu giá. Diện tích đất dôi dư sau khi bố trí tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó... Việc này sẽ được lấy ý kiến của người dân, nếu hai phần ba số ý kiến đồng thuận thì phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư được thực hiện.
 
 Khi bàn về vấn đề này, rất nhiều chuyên gia quản lý, quy hoạch đô thị đều cho rằng đề án thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá của TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành. Điểm ghi nhận trong đề án này là tạo ra giá trị đất cao nhất. Vì khi đường mở đến đâu, giá bất động sản hai bên đường sẽ tăng rất nhiều lần so với trước đó. Đây là đề án hay, có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác trên cả nước, mà phù hợp nhất là TP Hà Nội. Nhiều ý kiến cho biết thêm, Hà Nội đã nung nấu triển khai ý tưởng xây dựng tuyến phố hai bên đường, thí điểm tại tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, với cơ chế thu lại giá trị địa tô của những công trình được hưởng lợi ích trực tiếp do ngân sách đầu tư xây dựng tuyến đường mang lại... từ 20 năm trước. Năm 2010, Hà Nội dự tính thực hiện tại đường Vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, với chủ trương mở rộng thêm mỗi bên 50 m để bán đấu giá phần đất mặt đường tạo nguồn ngân sách phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, những ý tưởng nêu trên đã không thực hiện được vì vướng nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là kinh phí đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng quá lớn và cơ chế chính sách liên quan đến đất đai thời điểm đó chưa thông thoáng.
 
 Một chuyên gia về lĩnh vực này đánh giá, phương thức thu hồi đất mới đưa ra trong đề án của TP Hồ Chí Minh là giải pháp chuyển dịch đất đai khắc phục được nhược điểm hiện tại. Lợi ích từ hạ tầng mới được chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước và người đang sử dụng đất. Nhà nước không phải chi ngân sách để giải phóng mặt bằng, người đang sử dụng đất dễ đồng thuận, bảo đảm công bằng xã hội và đường phố được quy hoạch lại. Nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được dẹp bỏ, tạo dựng diện mạo đô thị khang trang hơn. Phương thức này còn có thể áp dụng cho nâng cấp đô thị, xây dựng đô thị mới, nhất là cải tạo chung cư cũ.