Đừng vì lợi ích trước mắt

Trước đề xuất về việc xây dựng tòa nhà 18 tầng nằm trong Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), rất nhiều cư dân đang sinh sống ở đây đã lên tiếng phản đối vì cho rằng, tòa nhà sẽ phá vỡ quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt trước đây, có nguy cơ gây quá tải hạ tầng, xáo trộn trật tự đô thị.

Bởi theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 1998, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) gồm tám tòa nhà cao trung bình từ sáu đến tám tầng, nhưng đến năm 2001, Quy hoạch chi tiết được điều chỉnh với 16 tòa nhà, gồm bảy tòa nhà cao chín tầng, bảy tòa nhà cao 14 tầng và hai tòa nhà cao 21 tầng, tăng gấp đôi về số lượng tòa nhà và chiều cao công trình. Tiếp đó, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, chiều cao của các tòa nhà tiếp tục được nâng cao từ 17 đến 34 tầng. Việc tăng mật độ và chiều cao các công trình xây dựng đã làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu đô thị. Theo phản ánh của người dân, hiện nay, quy hoạch ban đầu của khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã bị phá vỡ. Trong đó, có quy mô dân số, mật độ xây dựng, hạ tầng… đang ở mức quá tải, tạo ra nhiều áp lực.

Đây không phải là khu đô thị duy nhất tại Hà Nội bị phá vỡ quy hoạch. Thực tế, việc triển khai xây dựng tại không ít khu đô thị, dự án nhà ở cao tầng trên địa bàn bị thay đổi quy hoạch, từ nâng tầng đến việc cho phép mọc thêm các tòa nhà cao tầng. Đáng chú ý, chủ đầu tư chỉ coi trọng xây dựng nhà ở để bán, nhằm thu hồi vốn, lợi nhuận kinh tế nhanh, chứ chưa chú trọng xây dựng những công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhu cầu của cư dân.

Câu chuyện về Khu đô thị Linh Đàm là một điển hình cho việc phá vỡ quy hoạch. Khi thiết kế khu đô thị này, các kiến trúc sư, nhà quản lý đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh rộng hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch đã bị phá nát. Khu đô thị Linh Đàm trở thành “khu đô thị bất quy tắc” như cách gọi ngao ngán của nhiều người dân sống tại đây.

Trước việc những khu đô thị bị phá vỡ quy hoạch, các công trình nhà ở được nâng tầng, nhiều chuyên gia cho rằng: Phát triển đô thị, không thể cấm điều chỉnh quy hoạch, song sự điều chỉnh phải trên cơ sở bảo đảm hạ tầng đô thị để cư dân có cuộc sống tốt hơn và đô thị phát triển bền vững, chứ đừng để "những bàn tay vô hình" tác động vào vì lợi ích trước mắt. Để công tác quy hoạch đô thị luôn tác động tích cực, đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, cần quan tâm tới việc xây dựng hệ thống đồ án, đề án quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển của tương lai; kế hoạch phát triển đô thị hợp lý phải dựa trên cơ sở các nguồn lực đầu tư có thể kiểm soát được trong tương lai. Và một nhiệm vụ rất quan trọng là các cấp chính quyền phải quản lý quy hoạch phát triển đô thị một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch, có trách nhiệm.