Đừng để mất không gian công cộng

Các chuyên gia đô thị khuyến cáo, nếu Hà Nội không quản lý chặt chẽ quy hoạch, xây dựng thì không gian công cộng sẽ ngày càng bị thu hẹp, áp lực đô thị tăng mạnh.

Thực tế, vấn đề nêu trên đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, khi quá trình đô thị hóa bắt đầu diễn ra mạnh mẽ, như hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, đoạn đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám chỉ dài hơn 1 km, nhưng có khoảng 40 tòa chung cư cao tầng. Hay, tại Khu đô thị Linh Đàm, từng là khu đô thị kiểu mẫu, nhưng nhiều người dân sống ở đây đang phải “tháo chạy” để tránh quá tải hạ tầng; tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy với hàng chục nhà cao tầng mọc kín...

Hệ quả, các khu vực, các tuyến đường huyết mạch hằng ngày phải oằn mình chịu cảnh tắc đường, ô nhiễm bụi, không khí, tiếng ồn. Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ vừa được công bố cho thấy, trong sáu năm thi hành Luật Thủ đô, tiến độ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… thực hiện rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Hà Nội để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Điều 15, Luật Thủ đô. Báo cáo chỉ rõ: Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Điển hình như trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các cơ sở sản xuất công nghiệp, nay là những tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ với quy mô, mật độ rất lớn. Chính phủ đã chỉ ra những bất cập trong việc triển khai quy hoạch, xây dựng các khu đất sau di dời cơ sở trường học, bệnh viện, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô. Thực tế, trong số chín bộ, ngành có bảy cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, hai cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng...

Các chuyên gia quản lý đô thị, quy hoạch chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, song phần lớn do đơn vị sử dụng cũ muốn giữ lại. Tấc đất, tấc vàng cho nên không mấy ai muốn từ bỏ quỹ đất quý giá ấy. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố chưa kiên quyết, cho nên thiếu những kiến nghị mạnh mẽ để giữ đất thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Dự thảo quy chuẩn nêu trên đưa ra nhiều nguyên tắc chung phải tuân thủ khi quy hoạch trong phạm vi bốn quận, trong đó quy định các quy hoạch phân khu đô thị phải dự báo, xác định được quy mô dân số cho các lô phố quy hoạch, làm cơ sở cho tính toán và phân bổ dân cư trong quy hoạch chi tiết và các dự án. Kết quả dự báo phải bảo đảm phù hợp với khả năng dung nạp, đáp ứng của đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Quỹ đất cho các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phải quy hoạch theo hướng tăng dần để tiệm cận với các chỉ tiêu của các khu vực phát triển mới...

Bàn về vấn đề phát triển đô thị bền vững, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, quá trình đô thị hóa chưa tuân thủ các quy hoạch, cho nên làm mất cân đối giữa phát triển hạ tầng trong đô thị nói riêng và kết nối đô thị với vùng lân cận nói chung, do đó không phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đô thị hóa. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn có thể dẫn đến đô thị hóa trở thành gánh nặng, thay vì động lực thúc đẩy sự phát triển.

Theo các chuyên gia, một đô thị đáng sống phải có nhiều không gian công cộng. Không thể phát triển đô thị một cách tự phát mà phải căn cứ vào quy hoạch, tránh việc nhà đầu tư muốn làm gì thì quy hoạch phải chạy theo đã từng xảy ra thời gian qua.