Quy hoạch - Đầu tư

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

Vấn đề cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ lại được các đại biểu đưa ra chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Với những lời hứa của người đứng đầu ngành xây dựng, người dân hy vọng, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ sớm có sự tiến triển.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có gần 1.600 nhà chung cư cũ, trong đó phần lớn đã xuống cấp, nhiều nhà xuống cấp ở mức độ nguy hiểm cần phải tổ chức di dời. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, sau hơn mười năm thực hiện chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ, chỉ có 14 tòa chung cư cũ được xây dựng mới; năm chung cư cũ được phá dỡ, đang triển khai xây dựng; bốn khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Theo các chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này rất nan giải. Do tính chất đa dạng, phức tạp của dân cư sống trong khu vực, tỷ lệ cơi nới, lấn chiếm tại các khu chung cư rất cao, cho nên việc bảo đảm quyền lợi cho hàng nghìn hộ dân trong một dự án luôn là thách thức lớn. Đáng chú ý là tâm lý người dân chỉ muốn được tái định cư tại chỗ khiến việc triển khai càng thêm khó khăn, nếu không có sự ủng hộ tích cực từ phía các cấp chính quyền, của các hộ dân. Cùng với đó, khi xây dựng lại chung cư cũ, nếu tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, quy định không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số, chủ đầu tư không đủ diện tích để cân đối quỹ nhà tái định cư và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Vì thế các doanh nghiệp không mặn mà tham gia các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ.

Tại phiên trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (ngày 4 và 5-6) vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thẳng thắn thừa nhận, việc cải tạo chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn do không bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và của người dân. Các chung cư cũ khi cải tạo lại đều bị hạn chế về chiều cao, diện tích và dân số. Bộ trưởng Xây dựng cũng cam kết sẽ có những đề xuất trong thời gian tới, bổ sung chính sách về việc này.

Ngay khi kỳ họp kết thúc, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, trong tháng 6 này, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo các địa phương có nhà chung cư cũ khẩn trương thực hiện các quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP... thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương, trong đó có việc lập kế hoạch cải tạo nhà chung cư, việc kiểm định chất lượng nhà chung cư, việc di dời các hộ dân và lập phương án phá dỡ, xây dựng lại các nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm xuống cấp nghiêm trọng.

Đáng chú ý, trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất bổ sung giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương; đồng thời có báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định thuộc thẩm quyền để tạo cơ sở đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Hoàn thành việc kiểm định chất lượng các nhà chung cư cũ, việc lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư, việc điều chỉnh mật độ dân cư, việc lựa chọn chủ đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 để có quy định phù hợp đối với chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Với kế hoạch đó, hy vọng tiến độ cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội sẽ sớm có bước tiến triển mới.