Đẩy mạnh quản lý trật tự xây dựng

Thời gian qua, mặc dù công tác bảo đảm trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, song kết quả chưa vững chắc. Cơ quan chức năng cần bám sát cơ sở, xử lý nghiêm công trình có vi phạm ngay từ đầu.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác cấp phép xây dựng và quản lý sau xây dựng trên địa bàn thành phố trong năm 2018 tiếp tục được đẩy mạnh. Năm qua, các quận, huyện đã kiểm tra 20.367 công trình, trong đó có 1.065 công trình vi phạm. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý vi phạm 961 trường hợp (cưỡng chế phá dỡ 218 trường hợp; tự khắc phục 571 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 132 trường hợp...). "UBND các quận, huyện đã ban hành 1.518 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền 23,62 tỷ đồng. Tỷ lệ công trình có vi phạm giảm mạnh so với các năm trước; năm 2016 tỷ lệ này là 13,5%, năm 2017 là 10,99% và năm 2018 còn 5,22%. Điều đó cho thấy, lực lượng thanh tra xây dựng đã hoạt động có hiệu quả hơn", đồng chí Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Tuy vậy, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Xây dựng, vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, một số công trình vi phạm tồn đọng từ những năm trước chưa được giải quyết xử lý dứt điểm. Thanh tra xây dựng đang tiếp tục xử lý theo thẩm quyền 104 trường hợp. Ngoài ra, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn phổ biến. Điều này đòi hỏi lực lượng thanh tra xây dựng phải bám sát địa bàn hơn, kiên quyết hơn trong xử lý.

Ngay trong những ngày đầu năm 2019, thanh tra xây dựng phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm đã vào cuộc xử lý hàng loạt công trình nhà ở vi phạm trật tự xây dựng. Mới đây nhất, ngày 11-1, lực lượng chức năng đã tổ chức tháo dỡ phần vi phạm của công trình số 8 phố Nguyễn Khả Trạc, công trình cạnh số 48, ngõ 52 Phú Mỹ, công trình số 5 ngách 52/25/47 đường Mỹ Đình, công trình cạnh số 7 ngách 63/5/36 Lê Đức Thọ... Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, hiện cơ quan chức năng cũng đã tích cực vào cuộc xử lý một số công trình xây dựng có vi phạm như ô 23, BT2 bán đảo Linh Đàm, công trình tại ngách 61/20, công trình nhà số 33B đều nằm trên phố Bằng Liệt.

Tiếp theo cách làm quyết liệt trên, đồng chí Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2019, Sở Xây dựng sẽ triển khai có hiệu quả vấn đề cấp phép xây dựng, tiến tới tất cả các công trình trong đô thị và khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu phải được cấp phép xây dựng; không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội; giải quyết dứt điểm các bất cập về vi phạm trật tự xây dựng; xử lý, giải quyết triệt để các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên các tuyến đường mới mở còn tồn tại (siêu mỏng, siêu méo); không để phát sinh công trình xây dựng không bảo đảm kích thước hình học theo quy định khi triển khai những dự án giao thông.

Nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng thành phố cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu mới của quá trình đô thị hóa. Cùng với đó, cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cũng nêu rõ: Cần triệt tiêu vi phạm trật tự xây dựng khi còn “trứng nước”. Tức là phải phát hiện và “thổi còi” các địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, cố tình bao che sai phạm.