Chung quanh việc quy hoạch ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Góp phần phát huy giá trị di sản hồ Hoàn Kiếm

Làm thế nào để hài hòa giữa phát triển giao thông với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Vấn đề này đã đặt ra nhiều năm qua đối với nhà ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 và đã đến lúc cần có “đáp số” rõ ràng để dự án giao thông công cộng trọng điểm của Thủ đô sớm trở thành hiện thực.

Khu vực dự kiến đặt nhà ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: ĐĂNG ANH
Khu vực dự kiến đặt nhà ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: ĐĂNG ANH

Không xâm phạm di tích trong vùng bảo vệ

Theo Ban Quản lý ĐSĐT, do hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013, đơn vị đã lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan, các hội nghề nghiệp về vị trí hướng tuyến và nhà ga. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bốn lần có ý kiến góp ý về hướng tuyến, vị trí ga và cơ bản thống nhất về vị trí đặt ga và các công trình phụ trợ, song vẫn yêu cầu TP Hà Nội xem xét để không ảnh hưởng đến các hạng mục và cảnh quan di tích. Tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, vị trí ga ngầm C9 đã được điều chỉnh, dịch chuyển gần 20 m về phía phố Hàng Bài để giảm ảnh hưởng đến đền Bà Kiệu và Tháp Bút. Thiết kế ban đầu ga C9 có bốn cửa lên xuống, trong đó phía hồ Hoàn Kiếm (phía tây) có hai cửa, qua tham vấn các chuyên gia, để tránh áp lực giao thông quá lớn lên quần thể di sản, một cửa lên xuống ga đã được đưa sang phía đông, ven bờ hồ chỉ còn một cửa lên xuống. Năm 2017, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu TP Hà Nội có phương án tịnh tiến thân ga C9 về phía đường Đinh Tiên Hoàng, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu tiếp 10 phương án tại khu vực này. Song các phương án đều khó khả thi, do nếu dịch ga về phía đường Đinh Tiên Hoàng thì phải dịch cả hướng tuyến hầm qua ga và hướng tuyến hầm hai đầu ga, dẫn tới đường hầm ăn vào khu dân cư, ảnh hưởng an toàn di tích đền Bà Kiệu và Nhà hát múa rối nước Thăng Long, làm phức tạp cho công tác thi công đường hầm, tăng chi phí giải phóng mặt bằng... Do đó, TP Hà Nội kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến và vị trí ga C9 như ban đầu.

Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Nguyễn Cao Minh phân tích, theo Luật Di sản văn hóa, vị trí hầm ĐSĐT và ga ngầm C9 không nằm trong vùng bảo vệ 1 (gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng), mà phần lớn diện tích hầm và ga nằm ngầm dưới mặt đất dưới khu vực bảo vệ 2 (là vùng bao quanh khu vực bảo vệ 1 của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích). Vì vậy, có thể nói, công trình hầm ĐSĐT và ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Sau khi tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, tháng 3-2018, quy hoạch, phương án thiết kế ga ngầm C9 đã được chủ đầu tư phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trưng bày để lấy ý kiến cộng đồng. Trong ba tuần trưng bày đã có hàng chục nghìn lượt người dân và du khách đến tham quan phương án vị trí và thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9. Trong 1.718 ý kiến phản hồi có 90,3% ý kiến đồng thuận với phương án; 7,2% không đồng thuận và 2,5% không nêu ý kiến. Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình, đánh giá cao về dự án và cho rằng, nhà ga C9 có ảnh hưởng khá tích cực đến việc phát huy giá trị của di sản bên hồ Hoàn Kiếm.

Cần sớm phê duyệt phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9

Trước những lo ngại về quá trình thi công nhà ga tại đây sẽ ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, làm sụt lún các di tích như đền Bà Kiệu, Tháp Bút…, đại diện chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công ga ngầm C9 và hệ thống hầm đường ray tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất mà thế giới đang có. Thân ga được thi công theo phương thức đào hở (topdown). Đơn vị thi công sẽ dựng hai bức tường vây bê-tông cốt thép, dày 1,2 m; bơm bê-tông xuống xử lý bề mặt đáy. Sau đó dựng hệ thống giằng cọc chống đỡ kiên cố, đồng thời đặt một lớp trần bê-tông khác để quây kín khu vực thân ga, không làm sụt giảm mực nước hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12m, bảo đảm mức lún bề mặt thấp nhất trong quá trình thi công, vận hành, cho nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm. Đỉnh tuyến hầm sâu cách mặt đất khoảng 12,3m, đi qua phía trước Nhà hát múa rối nước Thăng Long, đền Bà Kiệu, tòa nhà của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, trụ sở HĐND và UBND thành phố Hà Nội, mép ngoài tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp khoảng 1m. Hầm có đường kính 6,5m thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ tiên tiến, triệt tiêu hoàn toàn độ rung lắc, độ lún bề mặt không đáng kể, kiểm soát và tránh tối đa ảnh hưởng đến các công trình lân cận thông qua các bộ cảm biến tự động kết nối với trung tâm điều khiển, khi vượt quá giới hạn cho phép sẽ báo động để khắc phục, xử lý ngay. Theo tính toán, độ lún ảnh hưởng đến Tháp Bút chỉ từ 1 đến 4 mm, là độ lún rất nhỏ, không ảnh hưởng đến kết cấu di tích.

Đối với ý kiến cho rằng việc đặt ga ngầm C9 sẽ gây ra sự lộn xộn, gia tăng áp lực giao thông khu vực, lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho rằng, bấy lâu nay nhiều người vẫn định kiến với hình ảnh ga tàu, bến xe là nơi tập trung đông người, cảnh quan nhếch nhác. Thực tế ga tàu điện ngầm là nơi trung chuyển văn minh, hiện đại, giúp người dân tiếp cận, di chuyển nhanh, chỉ khoảng 2 phút/chuyến, nên nhanh chóng giải tỏa lượng hành khách. Hơn nữa, ga tàu điện ngầm còn giúp giải tỏa bớt áp lực giao thông tĩnh tại khu vực này; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khi tàu dùng nhiên liệu xanh, không phải nhiên liệu hóa thạch.

Dự án tuyến ĐSĐT số 2 của TP Hà Nội được khởi động từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công xây dựng. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chậm trễ này là phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 chưa được các đơn vị chức năng phê duyệt theo quy định. Sự thận trọng để bảo đảm hài hòa phát triển đô thị với bảo tồn di sản là rất cần thiết, tuy nhiên, với quá trình nghiên cứu hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa mà TP Hà Nội đã thực hiện trong nhiều năm qua, thì rõ ràng việc bố trí nhà ga ngầm C9 như phương án nêu trên là tối ưu trong điều kiện cụ thể tại khu vực này. Rất mong các bộ, ngành chức năng sớm có động thái tích cực hơn, để dự án được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT trong nội đô Hà Nội, khai thác và phát huy tốt hơn các giá trị di tích lịch sử hồ Hoàn Kiếm.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 4-9-2018.

Tôi đã trực tiếp làm việc và được chủ đầu tư, tư vấn giới thiệu về những biện pháp kỹ thuật mới để thi công, cho nên tôi tin tưởng trong quá trình thi công công trình sẽ bảo đảm an toàn kiến trúc các công trình lịch sử chung quanh. Việc đặt ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm không những không ảnh hưởng mà còn giúp gia tăng vị thế, phát huy giá trị di tích. Khi đưa vào hoạt động, hệ thống tàu điện ngầm sẽ tạo điều kiện cho người dân, du khách có thể tiếp cận, tham quan các di tích ở trung tâm Thủ đô thuận lợi hơn.

ĐÀO NGỌC NGHIÊM

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội

Việc đặt ga ngầm ở rất gần các di sản đã được thực hiện ở nhiều thành phố trên thế giới. Việc này không làm ảnh hưởng mà còn giúp phát huy giá trị di sản vì giúp người dân, du khách có thể tiếp cận di tích một cách thuận lợi nhất. Như ở cố đô Ki-ô-tô (Nhật Bản), nhà ga được đặt sát Cung điện Hoàng đế hàng trăm năm tuổi; hay tại Tô-ki-ô, cung điện 270 năm tuổi Nhật Hoàng đang ở cũng có ga ngầm ngay cạnh. Ở Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch), Niu Đê-li (Ấn Độ), It-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) đều có các tuyến tàu điện ngầm, ga ngầm sát với các di sản. Tại đấu trường Coloseum (Ý), người ta đào đường hầm tàu điện ngay phía dưới với công nghệ tiên tiến nên không ảnh hưởng đến di tích.

Chuyên gia Nhật Bản Nô-bu-ra Na-ca-ga-oa