Quy hoạch - Ðầu tư

Cấp bách di dời cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô

Vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Ðông như hồi chuông báo động về việc cấp thiết phải đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô Hà Nội.

Sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Ðông, có rất nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu nguy hại lại tồn tại lâu dài giữa trung tâm Thủ đô đến như vậy? Và cũng từ đây, dư luận thêm lo lắng khi trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn tồn tại hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp có kết cấu hạ tầng, công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây cháy nổ rất cao, tác động xấu đến cộng đồng. Từ vụ cháy ở Công ty Rạng Ðông, các chuyên gia quản lý đô thị, chuyên gia môi trường khi được hỏi đều cho rằng, TP Hà Nội cần sớm điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả hoạt động của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong nội thành. Nếu cơ sở nào sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại, có nguồn thải gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao…, phải có giải pháp khẩn cấp di dời.

Thực tế, chủ trương di dời đã được đặt ra từ năm 2008 và đến tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QÐ-TTg giao UBND thành phố Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðến tháng 4-2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QÐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 116 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Ngoài ra, thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất này. Tuy nhiên, tiến độ di dời các cơ sở diễn ra quá chậm chạp.

Tính đến tháng 6-2019, có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102 ha; 27 cơ sở đã được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6 ha.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm di dời các cơ sở sản xuất là do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi di chuyển đến. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại nơi di chuyển đến thiếu đồng bộ; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập...

GS, TSKH Phạm Ngọc Ðăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Di dời cơ sở sản xuất là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đã có những đánh giá chính xác mức độ gây ô nhiễm môi trường, các cấp chính quyền cần có biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ, nếu không khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ rất lớn. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành trung ương.

Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô Hà Nội là công việc cấp bách. Ðể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện bố trí nguồn vốn, có chính sách ưu đãi về vốn vay để các doanh nghiệp sớm hoàn thành xây dựng cơ sở mới. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với các đơn vị phát triển đô thị theo quy hoạch mới để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị đất đai tại cơ sở cũ, trong đó ưu tiên quỹ đất xây dựng, phát triển các công trình công cộng. Thành phố cần kiên quyết xử lý các đơn vị cố tình chây ỳ, không thực hiện kế hoạch di dời.