Bảo đảm lợi ích của người dân chung cư

Thời gian qua, liên tục diễn ra việc người dân ở các chung cư mâu thuẫn chủ đầu tư vì việc chây ỳ, không bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện các hộ dân. Đây là một trong những vấn đề cần được giải quyết triệt để, nhằm bảo đảm an ninh trật tự xã hội, xây dựng nếp sống văn minh tại các đô thị lớn.

Mới đây, hàng trăm cư dân khu Sapphire thuộc dự án chung cư Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm) phản đối việc chủ đầu tư thu phí dịch vụ cao, không chịu bàn giao sổ đỏ cho các hộ dân, cũng như không chịu gặp gỡ, đối thoại với cư dân. Từ hai năm trở lại đây, tại chung cư này đã nhiều lần xảy ra những tranh chấp khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan nhiều vấn đề. Trước đó, giữa tháng 7-2019, cư dân tòa nhà Hei Tower, số 1 Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) đã phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, không gian chung. Hay hồi đầu năm, cư dân chung cư Capital Garden (ngõ 102, Trường Chinh, quận Đống Đa) cũng đã yêu cầu chủ đầu tư đối thoại, giải quyết các vướng mắc của cư dân.

Đó là ba trong khoảng 40 trường hợp có tranh chấp về kinh phí bảo trì xảy ra ở chung cư tại TP Hà Nội. Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân xảy ra các tranh chấp một phần liên quan văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể việc sử dụng quỹ bảo trì; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp. Trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương còn mờ nhạt…

Để ngăn chặn sự việc tái diễn và có chiều hướng gia tăng, Bộ Xây dựng vừa ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó có hàng chục dự án nhà chung cư thuộc diện thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng. Ngày 15-11, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung để kịp thời phát hiện, công bố công khai và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng các dự án chung cư là kế hoạch hằng năm mà cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phải làm, nhưng thanh tra quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư của Bộ Xây dựng là điểm mới trong kế hoạch thanh tra lần này. Dư luận mong chờ quá trình thanh tra được minh bạch, không nảy sinh tiêu cực. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề không nên để chủ đầu tư giữ và quản lý kinh phí bảo trì. Khi đó chủ đầu tư sẽ không còn cơ hội chiếm dụng hay chây ỳ bàn giao số tiền này. Mặt khác, cần đưa quỹ bảo trì vào quy chế độc lập và phải có kiểm soát hằng năm…

Người dân ở các khu chung cư hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cuộc “giằng co” lợi ích từ quỹ bảo trì giữa ba bên (chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà và cư dân) sẽ được hóa giải trong thời gian tới.