Tìm nghe trong phố

Phố ở đâu cũng có đôi điều cho ta nghe, để thấy một nỗi niềm, một day dứt, một quyến luyến nào đó từng hiện diện nơi này, làm nên hồn phố.

Phố cổ Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC
Phố cổ Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Bà cụ trông nhà tưởng niệm liệt sĩ phường Hàng Gai, trên phố Hàng Nón, chắc là biết nhiều chuyện. Ðều đặn mỗi năm một dịp, các gia đình về đây tưởng nhớ các liệt sĩ. Bà mời nước, cắm hoa, hạ lễ giúp, nghe biết bao chuyện của mỗi nhà. Chồng bà cũng là một người lính hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhà ở phố Tô Tịch, ngày lễ, rằm hằng tháng, bà thong thả mấy chục bước từ nhà sang lau dọn, cắm hoa tươi, thắp hương... Khuôn mặt bà ánh lên nét lành hiền qua bao tháng năm biến cố.

Và mỗi gia đình ấy, những gì để lại của những người lính, bằng kỷ vật, bằng trí nhớ, nếu ghi lại được ngoài thông tin tên tuổi, đơn vị, ngày tháng nhập ngũ, hy sinh…, thì ta sẽ có cả một bộ sưu tập sống động về những người trai phố phường bước vào trận mạc.

Nhiều chuyện nghe mà lạ, như việc xây dựng một tòa nhà giao thoa kiến trúc đông - tây, nhiều lớp người đã từng sống. Những câu chuyện về thuở ban đầu, cả tòa nhà của một gia đình, sau đó có khi cả… chục hộ cùng ở. Nào quây lấy sân, nào ngăn lại phòng, nào xây kín ban công. Có những hộ trưng dụng cả chỗ nhà vệ sinh cũ để ở. Biết được trước đây đã có những gia đình vượt qua nhọc nhằn như thế, kể cũng đáng suy ngẫm cho sự tồn tại hôm nay của mỗi người.

Lại nghĩ đến một, hai công trình kiến trúc cổ, nay là trường học, như Trường mầm non Tuổi thơ ở phố Hàng Buồm, trước là Hội quán Quảng Ðông, mái nhà còn gắn nguyên cá chép sứ, vẻ rực rỡ trầm trong sắc rêu phong.

Tôi biết một số nhà sưu tập cổ vật mà mỗi món đồ trên tay chứa những câu chuyện về những người từng sở hữu nó, gắn với bối cảnh của một gia đình, dòng họ, có khi mang hình bóng của một thời kỳ. Có nhà sưu tập, khi tôi hẹn lần đầu, ông cẩn thận gặp ở quán cà-phê. Nói chuyện kỹ cho hiểu người, rồi hôm khác mới mời đến nhà, chuẩn bị cẩn thận để giảng giải về thú trang trí tư gia bằng cổ vật, cây cảnh, cỏ hoa của các cụ mà cái danh từng nức tiếng Hà thành ngày trước.

Bây giờ, niềm say mê ấy được tiếp mạch thế nào, đã phôi pha chút lịch lãm nào cùng năm tháng, đã có gì thực dụng hơn. Chuyện hào hứng, chuyện vui, cả chuyện bùi ngùi cổ vật ấy, còn rải rác đâu đây. Nếu gặp đúng người, ta được nghe, như tượng hình một cuốn phim về nét sinh hoạt văn hóa của lớp người sành sỏi có, "a-ma-tơ" có, khi yêu đắm đuối cuồng say, mà khi lại chơi ngẫu hứng tùy duyên, tùy cảnh, tùy thời.

Tôi cứ tha thẩn mà nghĩ nếu không nhặt lại những chuyện đang trôi dần, thì ngày mai, ngày sau, phố nội thành sẽ rỗng đi nhiều lắm. Rất nên, những nhà quản lý bảo tồn phố cổ, văn nghệ dân gian ghi giữ lại. Rồi đó sẽ thành cái nền, cái vốn rất tốt cho những người sáng tạo nghệ thuật tôn vinh Hà Nội. Những là phim tài liệu, là tác phẩm thơ, văn, sân khấu, là báo chí nữa… Nếu khuyết thiếu những dữ liệu trầm tích của phố phường thì cũng như phố mai kia có thể rỗng chút hồn, những tác phẩm của lớp người sau này mến yêu Hà Nội, cũng không dễ mà thành quả.

Người nào yêu Hà Nội thì làm thôi, cũng đúng, yêu thì làm được gì cứ làm, phân biệt gì. Nhưng đã có một số cơ quan và con người được phân công, thì rất nên từng năm vun xếp cho cái "kho Hà Nội" đầy lên, dày hơn, phục vụ xã hội.

Nhưng mà, tốt nhất là khi đã thấy muốn biết, muốn hiểu, ta cứ tự đi tìm, theo sức mình, mà nghe, mà lắng cho mình sâu xa, rộng mở. Ta đi tìm, để được, hơn là đợi ai đó mang đến. Chẳng phải như vậy sao: những con phố này cũng đã sinh thành, đón nhận và uốn nắn, chuyển tiếp giữa bao nhịp người, bao nghề nghiệp, cảnh sống, để phố được định hình và mở ra, để lớn lên hơn và sinh sôi, trở thành chính nó.