Tiếng tiêu bên hồ Hoàn Kiếm

Đều đặn vào lúc rảnh rỗi, ông Lê Quang Châu lại bắt xe lên hồ Hoàn Kiếm. Chỗ ông ưng nhất là gốc cây mõ bên hồ (gần cây lộc vừng chín gốc) hoặc góc nhiều cây xanh như mạn phố Hàng Khay hay cuối đường Lê Thái Tổ. Chọn được chỗ ngồi rồi, ông thong thả rút cây tiêu từ trong túi ra thổi. Những khúc nhạc xưa, những giai điệu nhạc cổ điển khiến những đoàn xe dường như chậm lại. Nhiều năm nay, ông vẫn làm thế. Không phải là nghệ nhân, chẳng phải là nghệ sĩ, nhưng tiếng tiêu của ông đã trở thành một phần hồn của Hà Nội, của hồ Hoàn Kiếm...

Tiếng tiêu của ông Lê Quang Châu đã trở thành một phần quen thuộc của hồ Hoàn Kiếm.
Tiếng tiêu của ông Lê Quang Châu đã trở thành một phần quen thuộc của hồ Hoàn Kiếm.

Bên hồ Hoàn Kiếm, một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi tĩnh lặng. Mái tóc dài được búi củ hành sau gáy, là cách để tóc của đàn ông Việt sáu, bảy chục năm trở về trước. Khuôn mặt ông bình thản như đang ngồi thiền. Một chiếc tiêu để trên môi. Vẫn khuôn mặt bình thản ấy, một suối âm thanh dìu dịu tràn ra khi bổng khi trầm. Những người am tường nhạc tiền chiến dễ dàng nhận ra, đó là bài “Thiên thai” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Lại một giai điệu êm đềm, pha chút buồn của nhạc Đoàn Chuẩn. Cái cách búi tóc này, lâu, rất lâu rồi mới gặp. Càng lạ hơn là gặp giữa phố xá đông người. Và đặc biệt nhất là tiếng tiêu. Giữa chốn ồn ào này, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu bất cứ ai khi chứng kiến cảnh ông già thổi tiêu là ông thổi cho ai, vì sao ông thổi? Lần đầu gặp ông Lê Quang Châu, tôi đã có cảm giác không biết đây là thực hay hư nữa. Chậm rãi, bình thản, tiếng tiêu cứ thong thả bổng trầm như chính phong thái ông. Có cảm giác như tiếng tiêu đang kéo những đoàn xe hối hả nối nhau trên phố đi chậm lại, chậm lại.

Hơn mười năm nay, những người yêu mến hồ Hoàn Kiếm có thêm một người bạn tri âm, đó chính là tiếng tiêu Lê Quang Châu. Nhà ở phố Kim Ngưu, năm nay đã tròn 84 tuổi, ông Châu vẫn thường lọ mọ lên bờ hồ. Cây tiêu được ông cẩn thận bọc trong một chiếc túi vải, đeo sau lưng, chẳng khác nào một lãng tử đi ra từ những điển tích văn học. Sau một chuyến xe buýt, ông chọn cho mình một chỗ ngồi ưng nhất, rồi bắt đầu buổi “biểu diễn”. Ông thích thổi tiêu bên gốc cây mõ vì đó là nơi gắn với ký ức tuổi thơ. Hơn bảy mươi năm về trước, đó là nơi ông và lũ bạn thường tranh nhau lấy quả mõ với vị béo béo, ngầy ngậy để ăn. Địa điểm tiếp theo là nơi có không gian rộng ở cuối phố Lê Thái Tổ và phố Hàng Khay. Tôi hỏi ông, mỗi lần đi như thế ông có mệt không. Một cái cười rất chậm rãi, có lẽ, chẳng có lý do gì có thể khiến ông lão này vội vàng: “Nếu mệt thì đã chả đi cậu ạ. Hồ Gươm là “nhà” tôi mà”. Ông lão chỉ tay về phía phố Hàng Khay: “Nhà tôi xưa ở Hàng Khay đấy. Song thân tôi đều là người ở Hà Nội nhiều đời”. Nói đến những con phố xưa quanh hồ Hoàn Kiếm, đôi mắt ông bừng lên những nỗi niềm. Đó là khi những ký ức xưa dội về. Phố cổ là nơi ông sinh ra. Ký ức về phố phường Hà Nội trong ông như những thước phim. Ông vẫn nhớ như in từng nếp nhà góc phố đã biến đổi ra sao. Những căn nhà nào được xây lên, những góc phố thân thuộc nào đã mất đi… Gia đình chuyên kinh doanh đồ cổ và nhạc cụ truyền thống, ngay từ những năm tháng đầu đời, cậu bé Châu đã sống trong cái chất phiêu lãng của những giai điệu âm nhạc. Ông được học nhạc một cách bài bản từ nhiều người thầy, trong đó, có cả nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Về nhà, ông ngoại mê kéo nhị, cứ chiều đến lại đem cây nhị ra tâm tình, ông còn có một người bác mê thổi sáo. Từ nhà đi bộ mấy bước ra bờ hồ chơi thì ngày nào cũng gặp một chiếu xẩm… Chả thế mà năm 1946, khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, người ta lo cái ăn, cái mặc, thì “cậu ấm” Châu chỉ lo cây đàn, cây tiêu bị thất lạc. Yêu âm nhạc, nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với nghề giáo. Ông từng dạy toán, vật lý lý thuyết rồi từng làm chuyên gia ở châu Phi. Dù hoàn cảnh nào, ông cũng chưa bao giờ rời xa âm nhạc. Cũng may, cây tiêu nhỏ gọn, dù đi đâu ông cũng mang theo bên mình và giở ra bất cứ khi nào rảnh rỗi.

Và vì sao ông lại cứ thích lên hồ Hoàn Kiếm chơi tiêu? “Đấy là quê tôi mà, khi chơi tiêu ở đây tôi thấy mình mới là chính mình. Khi tiếng tiêu tan vào không trung, tôi thấy bản thân mình như tan vào thành phố”. Ông Châu vừa kể chuyện, vừa cười mủm mỉm. Quãng thời gian ông Châu thổi tiêu ở bờ hồ có thể chưa dài lắm so với quãng đời của nhiều người gắn bó với hồ Hoàn Kiếm. Nhưng ngay từ những lần đầu, khi bóng ông già cùng tiếng tiêu cất lên bên hồ, bất kỳ ai cũng thấy dường như tiếng tiêu và chủ nhân của nó đã thuộc về nơi này từ lâu lắm. Không phải ai cũng có khả năng thẩm định tiếng tiêu hay, hay dở, không ai không mê. Với nhiều người, ngắm ông cụ nhắm mắt “phiêu” trong tiếng tiêu thôi cũng là quá đủ. Người ta tìm thấy một Hà Nội xưa cũ ở trong con người này. Ở ông vừa có cái hoài cổ, vừa có sự lịch lãm của người Hà Nội xưa. Tiếng tiêu thay cho lời kể chuyện. Nó như trải ra trước mắt mọi người những hình ảnh về Hà Nội cổ kính, những con phố thanh bình, nhỏ xinh, mà ở đó ngay cả người lạ khi đến cũng phải nói nhẹ nhàng để hòa vào cái nhã nhặn, thanh lịch chung chứ không phải gào lên để át đi tiếng ồn như bây giờ. Tiếng tiêu gọi những mùa thu lá bay trên những con phố. Tiếng tiêu gợi hình ảnh những chiếc tàu điện leng keng trên phố. Tiếng tiêu kể chuyện cái tình người Hà Nội xưa trong đối nhân xử thế… Chứng kiến Hà Nội qua bao bước thăng trầm, ông có cả kho chuyện kể. Ông tự viết một cuốn hồi ký, mà ở đó ngập tràn những kỷ niệm về Hà Nội, gắn bó với những đổi thay của Hà Nội. Cuốn hồi ký dài đến hơn 2.000 trang…

Mười ba năm thổi tiêu bên hồ Hoàn Kiếm, những kỷ niệm với khán giả kể không biết bao giờ mới hết. Có chàng thanh niên rơi lệ khi nghe ông thổi bài “Lòng mẹ”, có những vị khách nước ngoài khi về nước còn gửi thư sang cảm ơn tiếng tiêu… Có những quãng thời gian không thấy ông Châu, những người gắn bó với hồ Hoàn Kiếm lo lắm. Ngoài 80 rồi, biết đâu đấy… Nhưng rồi lại thấy ông đeo cây tiêu sau lưng thung dung bước như một vị tiên. Vậy là “một góc hồ Hoàn Kiếm” vẫn còn. Hỏi ra, mới biết ông dành thời gian đi vào Hoàng thành Thăng Long, ông còn bắt cả mấy chuyến xe buýt lên tận chùa Võng Thị, đi sang chùa Láng… Chỉ để thổi tiêu. Khi dừng chân ở những nơi linh địa ấy, ông mới thấy tiếng tiêu của mình hòa vào nhịp thở của thành phố. Hẳn nhiên, hồ Hoàn Kiếm vẫn là nơi nuôi dưỡng tình yêu với Hà Nội của ông lão thổi tiêu, nhưng có một chút tiếc nuối, hồ Hoàn Kiếm giờ ồn ào quá. Tiếng ồn đôi khi làm ông thấy khó lắng lòng. Những năm tháng sống ở Hà Nội, tôi nghiệm ra một điều rằng, muốn hiểu Hà Nội, không nhất thiết cứ phải gặp những danh nhân, hay những người nổi tiếng của công chúng. Cái chất Hà Nội dễ bị che mờ bởi hào quang danh tiếng. hãy cứ bắt đầu từ những con người bình dị. Ông Lê Quang Châu là một người như thế.