"Ông già" thư pháp thành Thăng Long

Là một trong những cây đại thụ của thư pháp Việt Nam đương đại, nhưng nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách thường bảo: "Tôi viết còn nhiều chữ... xấu lắm". Hằng ngày, ông vẫn chăm chỉ... tập viết. Không chỉ ở những chữ viết rồng bay phượng múa đáng để người đời ngưỡng mộ, mà khí chất của nhà Nho trong tác phong, lối sống của ông cũng để lại nhiều bài học quý.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách.
Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách (trong ảnh) vừa bước sang tuổi 90. Cái tuổi "cửu thập siêu thọ" trong quan niệm của người xưa. Cùng với các nhà thư pháp khác gồm: Lại Cao Nguyện, Lê Xuân Hòa (đã qua đời năm 2007), Cung Khắc Lược, cái tên Nguyễn Văn Bách từ lâu đã được xem như một trong "tứ trụ" của nền thư pháp Việt Nam đương đại. Bút tích của ông có mặt trên nhiều danh lam thắng tích của Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước. Những tưởng như thế là quá đủ với một người tha thiết với bút lông, mực tàu. Nhưng khi trò chuyện, ông bảo: "Hằng ngày, những lúc rảnh, tôi vẫn tập viết. Tôi viết nhiều chữ vẫn còn...xấu lắm". Nói rồi ông chỉ cho tôi cái bàn được đặt ngay ở đầu giường. Một chiếc bàn nhựa cũ kỹ. Đấy là nơi mà nhà thư pháp cho ra đời bao chữ rồng bay phượng múa cho đời. Thật quá giản dị so với danh tiếng của một nhà thư pháp từng được quen biết với nhiều người nổi tiếng, cả những chính khách cũng tìm đến ông thỉnh chữ.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Nho học. Gia đình vừa làm thầy đồ, vừa làm nghề thuốc trị bệnh cứu người. Sinh ra khi chữ Hán đã bắt đầu không còn chỗ đứng, nhưng cậu bé Bách mặc nhiên thừa kế những di sản ấy. Để tiết kiệm, cậu bé Bách nhúng ngón tay vào nước, viết trên nền gạch để học chữ. Đến khi thành thạo mới viết trên giấy. Đến năm 13 tuổi, cậu bé Bách đã đủ tài viết chữ để... bán mỗi dịp chợ phiên. Những câu chuyện xưa lắm ấy vẫn thường được gia đình nhắc lại như những bài học về ý chí của người đi trước. Nhưng chữ Hán không có đất dụng. Năm 1959, Nguyễn Văn Bách về công tác tại Viện Đông y và làm công việc giảng dạy về thuốc Đông y tại Viện cho đến lúc về hưu. Một trong những đặc điểm của nghề y là phải đọc, nghiên cứu những sách về y thuật cổ. Vậy là duyên nợ khiến cả cuộc đời ông không xa rời Hán tự. Hơn nữa, thời ấy, nhiều tác phẩm thơ, văn cổ trung đại bằng chữ Hán của Việt Nam cũng như văn học nước ngoài chưa được dịch sang quốc ngữ, hoặc dịch nhưng chưa chỉnh. Học Hán tự khiến ông có được chiếc "chìa khóa" để đến với vốn cổ. Ông vẫn dành nhiều thời gian tìm đọc, nghiên cứu các sách bằng chữ Hán, các tác phẩm thơ văn Việt Nam cổ trung đại bằng chữ Hán. Với kiến thức dày dặn, đến khi việc nghiên cứu văn hóa, văn học cổ điển được quan tâm, đã rất nhiều cơ quan đến đặt bài, nhờ dịch sách, tham khảo ý kiến ông về những công trình nghiên cứu. Ông còn trực tiếp cùng các nhà nghiên cứu dịch những tác phẩm chữ Hán của các danh nhân: Nguyễn Trãi, Ngô Quang Bích, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh...và nhiều bài thơ Đường, thơ Tống... Rồi người ta cũng nhận ra, nét chữ Nguyễn Văn Bách phóng khoáng, có thần thái riêng. Người đến xin chữ, thỉnh chữ ông để treo, để chơi ngày một nhiều hơn. Tiếng tăm ông ngày một bay xa...

Nguyễn Văn Bách nhận mình chỉ là một "Long thành lão nhân" - ông già thành Thăng Long. Cái tên tưởng chừng rất giản dị ấy nói lên nhiều điều, nhất là sự gắn bó của ông với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hầu như đi đến những di tích lớn nào của Thủ đô, ta cũng bắt gặp bút tích của ông. Đáng tự hào nhất là từ năm 1965, khi tu sửa Văn Miếu, cụ đã được mời viết ba chữ "Văn Miếu môn" lên cổng tam quan chính của Văn Miếu. Nhiều người đánh giá ba chữ "Văn Miếu môn" ông viết đã chạm đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị. Tại di tích đặc biệt, từng góp phần đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước này, nhiều lần tu sửa, ông cũng được mời đến viết lại nhiều câu đối, hoành phi... Bên hồ Hoàn Kiếm, trên tháp Hòa Phong cũng có bút tích của "Long thành lão nhân", rồi ở cổng thành Hà Nội, ở Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa... cũng có bút tích của ông trên những vị trí trang trọng nhất. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách đã viết bức "Thiên đô chiếu" của vua Lý Thái Tổ. Sau đó, nhà giáo Nguyễn Thế Long đã gò đồng, mạ vàng những mẫu chữ cụ Bách viết rồi gắn trên nền sơn mài, tạo ra một kiệt tác nghệ thuật có chiều cao 2,8m, chiều rộng 4m. Để hoàn thành tác phẩm, ông đã dồn tâm trí trong ba tháng. Bức "Thiên đô chiếu" này đã được treo ở Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để người dân được chiêm ngưỡng...

Nằm trên một con ngõ nhỏ trên phố Tràng Tiền ồn ào, tấp nập, nhưng căn nhà của "Long thành lão nhân" mang nét trầm mặc như cốt cách Nho gia của chính ông. Những bộ bàn ghế kiểu cổ không đồ sộ mà khiêm nhường. Những bức thư pháp treo ngay ngắn. Ở nơi trang trọng nhất, ông treo áng thiên cổ hùng văn "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, gồm tất cả 1.351 chữ được viết chữ vàng trên nền đỏ. Trong phòng riêng, ông treo hai chữ "Thanh tịnh". Đấy chính là triết lý sống trọn đời của ông. Giữ thanh tịnh cho cả thân và tâm. Có lẽ nhờ thế, ở tuổi 90, tay bút ông vẫn cứng cỏi, vẫn viết để tặng chữ cho nhân gian. Trong căn phòng riêng còn có một đôi câu thơ mà ông tâm đắc: "Nhà hẹp chứa quyển vàng chật gác/Cửa thưa treo trăng bạc làm gương". Nhà hẹp nhưng quyển sách sẽ thành quyển vàng nếu biết khai thác. Cả cuộc đời ông sống thanh bạch, coi trọng những giá trị tinh thần, để đức cho mai sau. Khi được hỏi chữ gì khó nhất, ông bảo: "Chữ nhất (chữ chỉ gồm một nét ngang - PV). Cái gì càng đơn giản, càng khó giữ cho ngay ngắn". Ngẫm ra, cuộc đời con người cũng thế. Muốn "ngay ngắn" kể từ những việc đơn giản nhất không phải chuyện dễ dàng.

Chợt nhớ đến "chợ chữ" bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khi có "ông đồ" bán chữ, một tay bút lông, một tay cầm từ điển tra chữ xem đúng sai, càng cảm phục thêm những đức tính của một nhà Nho giữa thời hiện đại. Ở tuổi 90, ông vẫn tập viết, vẫn một lòng hướng đến chân - thiện - mỹ.