Những sợi len "vẽ" tình yêu phố cổ

Đã có nhiều, rất nhiều chất liệu được các nghệ sĩ, nghệ nhân sử dụng trong sáng tác để thể hiện nét đẹp của "Thành phố nghìn năm”. Nhưng nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hồng Vân vẫn tạo nên sự khác biệt, với chất liệu mà ít ai ngờ tới - những sợi len. Không đi vào chi tiết như tranh thêu chỉ, tranh thêu len của Nguyễn Hồng Vân (trong ảnh) khai thác thế mạnh của những bố cục mầu sắc. Những con phố Hà Nội hiện lên gần gũi, ấm áp, như chính con người của cô gái phố cổ này.

Những sợi len "vẽ" tình yêu phố cổ

Hà Nội thu. Không khí bắt đầu hanh hao, se lạnh. Nguyễn Hồng Vân đã chọn đúng thời điểm ấy để đem tranh đến với công chúng trong triển lãm "Thêu dệt cảm xúc" vào trung tuần tháng 10. Khó có thể nói từ nào hợp lý hơn hai từ ngạc nhiên khi xem tranh Nguyễn Hồng Vân. Những sợi len vốn chỉ được dùng làm đồ dùng sinh hoạt, bỗng nhiên "vẽ" nên những cảm xúc tinh tế về Hà Nội. Tranh phố cổ của Nguyễn Hồng Vân cũng có "những phố dài xao xác heo may", vào những khoảnh khắc khác nhau của vòng thời gian luân chuyển. Nhưng Hồng Vân đặc biệt yêu thích khoảnh khắc phố cổ lúc chiều tà, phố cổ về đêm. Hồng Vân thích mô tả khoảng thời gian khi hoàng hôn dần buông trên những mái ngói lô xô, thành phố chuẩn bị lên đèn. Chị bảo, đấy là khi sự chộn rộn thường ngày bắt đầu chùng xuống, khi lòng người ta lắng lại để cảm nhận các con phố êm đềm. Và với chị, đó là khi những hồi ức, những kỷ niệm về Hà Nội ùa về. Không có thế mạnh về mô tả những chi tiết tỉ mỉ như thêu chỉ, nhưng Nguyễn Hồng Vân đã phát huy một thế mạnh khác của thêu len, đó là sự sắp xếp các bố cục sắc mầu. Bức Phố đêmlà một điển hình. Những gam mầu đỏ trầm, gam mầu nâu, và cả mầu tím được phối hợp nhịp nhàng như một giai điệu. Và một góc phố cổ hiện lên như thực, mà lại như mơ. "Những phố dài xao xác heo may" như ấm áp hơn với chất liệu len, như chính tình cảm của cô gái phố cổ này với Hà Nội.

Cảm xúc về phố cổ trong tranh thêu len Nguyễn Hồng Vân hồn nhiên như sinh ra ta phải hít thở. Không khó để tìm lý do. Hồng Vân sinh ra trong một con ngõ phố Hàng Than. Tuổi thơ của Vân gắn với dốc Hòe Nhai, với bốt Hàng Đậu và miên man những ngõ nhỏ, phố nhỏ khác nữa. Gần 20 năm trước, Hồng Vân thi đậu vào ngành thiết kế tranh đồ họa trên thảm - Khoa Đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Cho đến lúc ra trường, Hồng Vân cũng không xác định được mình sẽ làm gì. Đi khảo sát về ngành thảm của Việt Nam, Hồng Vân tưởng mình đi vào ngõ cụt. Chỉ còn vài xưởng dệt thảm ở Nam Định, Thái Bình. Xưởng dệt nào cũng lèo tèo. Sống bằng nghề thảm là điều không thể. Nhưng Hồng Vân nhận ra, quá trình học nghề thảm không vô ích. Trong quá trình làm việc với các thầy, Hồng Vân từng làm những bức tranh vải. Các họa tiết bằng vải thường được thêu phần diềm khi gắn lên nền bằng những sợi len. Trong suy nghĩ của Hồng Vân lúc ấy, đã nhen nhóm một hướng đi trong việc tìm ra một chất liệu mới làm tranh, trên nền của nghệ thuật truyền thống. Hồng Vân đã thử thêu một bức để kỷ niệm tình yêu của mình. Rất nhiều người mê bức tranh đòi mua. Hồng Vân từng có thời gian làm việc tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Thêu len là loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ, không hẳn ai cũng chấp nhận nên Hồng Vân có những băn khoăn nhất định. Nhưng rồi, Hồng Vân đã mạnh dạn trở về với "phát kiến" của mình, bắt đầu vẽ, pha mầu, chuyển thể tác phẩm thành thêu len, rồi mở một xưởng tranh thêu len nho nhỏ trên phố Lê Thánh Tông...

Rất nhiều thách thức đặt ra. Không ai sản xuất riêng len dành cho thêu. Hồng Vân phải lùng sục gần như tất cả các địa chỉ bán len ở Hà Nội để tìm chọn loại len, mầu len phù hợp, vốn thường được dùng để đan khăn, hay áo, mũ. Không dễ tìm được những lô hàng thật đồng mầu. Có lần khi thực hiện bức tranh lớn nhất của mình (bức Hoa sen trong hồ, kích thước 3,3 m x 0,8 m), thêu được một nửa thì hết len, không tìm được loại len cùng mầu, Hồng Vân phải tháo ra thêu lại. Một trong những khâu tưởng đơn giản nhưng lại phức tạp là khâu... căng khung. Sợi len to, nên những đường thêu len thường là thẳng và dài, tạo ra những hình khối nên rất nhiều trường hợp căng khung không khéo, khi thêu xong, dỡ ra bị méo tranh. Với thêu len, họa sĩ vẽ tác phẩm bằng chì đen lên giấy can, rồi lại dùng bút nhọn tỉ mỉ thể hiện lại bức tranh từ giấy can lên trên vải. Một lớp bột mầu sẽ được đổ lên sao cho mầu thấm xuống theo các đường nét đã xăm. Từ đó người thợ thêu mới bắt tay vào thêu những mũi len đầu tiên. Tranh thêu chỉ lụa thì đường chỉ ngắn, bám chắc vào mặt vải và tạo ra những đường nét mềm mại. Còn tranh thêu len, muốn đạt được độ mềm mại cần thiết thì khi phác thảo tranh, người họa sĩ đã phải tính toán rất kỹ những chi tiết, đặc biệt là những chỗ gấp khúc, những đường cong để sao khi chuyển sang khung thêu, những sợi len thô vẫn có thể thể hiện được sự mềm mại.

Ngoài chủ đề phố Hà Nội, Hồng Vân còn ưa thích sáng tác tranh về cuộc sống hiện đại cũng như chuyển thể dòng tranh dân gian. Nhưng Hồng Vân còn nghĩ đến tương lai xa hơn cho tranh thêu len... "Khi học ngành thảm, mình nhớ chỉ có vài sinh viên, mà chính mình cũng chưa biết định hướng cho tương lai. Sinh viên hiện nay có xu hướng chạy theo những ngành có tính thời thượng. Nhưng thật sự, khi học các ngành có tính truyền thống như ngành thảm, sinh viên có được nền tảng kiến thức vững chắc, để làm nhiều việc sau này. Hy vọng bằng việc tìm chỗ đứng cho tranh thêu len, nhiều sinh viên sẽ nhìn thấy "đầu ra" cho việc học tập của mình, các em học ngành thảm có thể tự tin hơn", Hồng Vân chia sẻ. Sự phát triển của tranh thêu len không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân. Từng làm việc trong một dự án hỗ trợ người khuyết tật, Hồng Vân nhận ra, người khuyết tật thường rất kiên trì, khéo tay, rất phù hợp với nghề thêu. Nhưng nhược điểm của những người khuyết tật là thiếu tự tin. Hồng Vân chủ động tìm những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, những bạn khuyết tật để dạy họ nghề thêu len và làm việc tại xưởng. Ba nhân viên của Hồng Vân, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người khuyết tật. Trong đó, có một phụ nữ bị dính liền ba ngón tay, phải mất đúng một tuần rèn luyện mới có thể xâu kim, nhưng nay đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho Hồng Vân. Những bức tranh len đã "thêu dệt" rất nhiều cảm xúc, khi chứng kiến Hồng Vân cầm tay những người bạn trẻ khuyết tật, để cùng họ thêu lên câu chuyện tương lai...