Người nâng cánh diều Kẻ Bá bay xa

Kẻ Bá là làng quê mộc mạc bên sông Hồng. Cứ chiều đến, tiếng sáo diều du dương, dặt dìu từ tầng không vẳng xuống. Không nhiều người biết rằng, chiếc diều sáo Kẻ Bá bình dị đã chu du qua nhiều nước trên thế giới, đến cả với những lễ hội văn hóa ở châu Âu. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm chính là người bao năm miệt mài giới thiệu nghệ thuật chơi diều sáo với bạn bè quốc tế, cũng như với chính người dân trong nước.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm (người thứ 2 từ phải sang) mang cánh diều Việt Nam giới thiệu tại Pháp.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm (người thứ 2 từ phải sang) mang cánh diều Việt Nam giới thiệu tại Pháp.

Cuối năm 2015 vừa rồi, khi hay tin mình được công nhận là Nghệ nhân ưu tú ở lĩnh vực diều sáo, điều đầu tiên nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm nghĩ đến, không phải là cho mình. Ông vui, vì nghệ thuật chơi diều sáo đã được nhìn nhận như nó cần được thế. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm thường không thích nói quá nhiều về cách chơi diều của làng Bá Dương Nội (tên nôm là Kẻ Bá, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng). Ông thường bảo: Các anh, các chị hãy cứ đến các làng diều khác ở vùng Bắc Bộ nghe tiếng sáo diều rồi so sánh, sẽ hiểu thêm về tiếng sáo diều Kẻ Bá.

Làng diều Kẻ Bá khoảng 1.000 năm tuổi. Bá Dương Nội cũng là một làng hiếm hoi vẫn giữ được hội thi diều lâu đời nhất nước ta. Nhưng quả thực, nếu chỉ nhìn những cánh diều Bá Dương Nội, nhiều người sẽ có chút thất vọng. Hình thức chúng rất... bình thường. Cho dù cánh diều làng Bá khá lớn, thường dài hơn hai mét, thì cũng chưa phải điều gì đặc biệt. Người ta còn làm lớn hơn, tới gần chục mét. Kẻ Bá cũng chỉ có một loại diều, hình trăng khuyết, chứ không mầu sắc rực rỡ, không tạo hình rồng, hình phượng bay bướm... như các địa phương. Chỉ đến khi chiều buông, những cánh diều vút lên, người ta mới cảm nhận thấy sự khác biệt. Vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều làng chơi diều sáo. Nhưng không đâu, âm thanh của tiếng sáo diều đa dạng như ở Bá Dương Nội. Có lẽ, bởi nó sinh ra từ vùng quê xứ Đoài giàu truyền thống văn hiến. Chỉ với đôi, ba chiếc sáo gắn vào cánh diều mà đem đến nhiều sắc thái bổng trầm, như một "dàn nhạc" trên trời. Diều Bá Dương Nội bay rất cao, tiếng sáo vang rất xa. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm bảo rằng, nghe tiếng sáo, biết lòng người.

Cụ thân sinh nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm là nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngọ, một trong những người chơi diều nổi tiếng nhất ở Bá Dương Nội. Thừa kế "di sản" của người cha, ngay từ nhỏ cậu bé Kiêm đã mê diều, tự chế cho mình những chiếc diều, đi tìm tre gọt sáo. Sau này, lớn lên, ông công tác trong ngành điện lực. Công việc của một kỹ sư ngành điện trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa khiến ông có điều kiện đi đến nhiều địa phương. Mê diều, nên mỗi chuyến công tác, hễ nghe nói nơi nào có làng diều lâu đời là ông đến tìm hiểu, giao lưu, dù là ở Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, hay cả những nghệ nhân chơi diều ở Huế, miền nam. Những chuyến đi khiến ông trở thành một "kho chuyện" về cánh diều Việt. Nhưng ông vẫn luôn miệt mài với phong cách diều Kẻ Bá. Kiếm được cây tre già, loại già đến độ chết đứng trong bụi cây, người làng Bá sẽ bắt đầu chế sáo. Quan trọng nhất là gọt "ngạc" sáo (lỗ để gió thổi tạo ra âm thanh). Người ta hơn nhau không phải cánh diều lớn bé. Khâu gọt để tạo âm thanh mới quyết định tài năng. Ai cũng có thất bại. Nhưng qua bao nhiêu lần chỉnh sửa như thế, dần dần, người ta sẽ tìm ra phong cách cho mình. Cùng một kích cỡ và "định dạng", tiếng sáo mỗi người một khác nhau. Và khi hiểu điều này, ta mới hiểu sự tài tình mà tinh tế của nghệ thuật chơi sáo diều. Người Kẻ Bá chơi diều đêm, và mỗi khi cánh diều của nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm vút lên, mọi người đều nhận ra thứ âm thanh không lẫn vào đâu được. Tiếng sáo thể hiện thay những lúc vui, buồn của người nghệ nhân. Từ lâu, ông được mọi người trong làng bầu chọn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Bá Dương Nội.

Trong những tư liệu về diều của nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm có một tấm ảnh cắt ra từ bìa tạp chí của Pháp. Đó là ảnh cụ thân sinh ra ông đang mang trên tay một cánh diều. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm bảo rằng: "Cách đây hàng chục năm, khi bản thân người Việt mình còn chưa nhận thức đúng về nghệ thuật chơi diều thì người Pháp đã rất quan tâm. Người ta đã về làng tìm hiểu thú chơi diều khi cụ thân sinh tôi còn sống. Tôi nghe nói, người Pháp còn có cả những cánh diều họ thu thập từ xưa trong bảo tàng". Nhưng đây cũng chính là trăn trở của ông. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm đã từng đem chiếc diều sáo của Kẻ Bá đi trình diễn ở những liên hoan quốc tế, từng giao lưu với nhiều chuyên gia về diều trên thế giới, tiếng sáo diều Kẻ Bá được mến mộ. Người ta thường bảo tiếng sáo diều là đặc sản của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng số người từng thật sự nghe tiếng sáo diều rất hiếm. Có lẽ vì thế, người ta không hiểu, không thật sự trân trọng. Ngoài những làng diều truyền thống, người chơi diều sáo ngày một ít đi. Ở tuổi xấp xỉ 70, độ tuổi mà người ta đã ngại những chuyến đi xa, ngại đến những chỗ ồn ào, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm vẫn bất đắc dĩ "vào vai" một "ông già năng động". Những dịp 1-6 hay rằm Trung thu, ông không từ chối lời mời nào của các cơ quan, miễn là có dịp giới thiệu cho bọn trẻ cách làm, nghệ thuật chơi diều. Ông cũng "chế" ra cánh diều đặc biệt, dễ dàng tháo lắp, để có thể đem lên máy bay, phục vụ cho những chuyến giao lưu, tham gia các liên hoan ở xa. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm thường bảo, thú chơi diều không dễ mất đi, nhưng điều đáng lo nhất là sự mai một của những tiếng sáo hay. Mỗi người phải mất nhiều năm mới có được kinh nghiệm tạo ra những cây sáo có âm thanh tinh tế. Song có một điều an ủi với người nghệ nhân già, là giới trẻ làng Bá Dương Nội vẫn mê sáo diều, và xã hội đang từng bước nhận diện lại những giá trị di sản mình đang nắm giữ.