Người đặt tên cho "thành phố hoa sữa"

Hà Nội vẫn đang trong mùa hoa sữa. Càng về đêm khuya, khi thành phố bình yên, càng cảm nhận rõ hơn mùi hoa sữa nồng nàn. Lúc ấy, người ta không thể không xốn xang mà nghĩ đến câu hát "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm". Người ta đã gọi Hà Nội là thành phố của những loài hoa khác nhau, nhưng chỉ đến khi ca khúc "Hoa sữa" của Hồng Đăng ra đời, người ta mới thật sự "định danh" được loài hoa biểu trưng cho tâm hồn người Hà Nội...

Hà Nội mùa hoa sữa.
Hà Nội mùa hoa sữa.

Mỗi miền đất đều gắn liền với hình ảnh một loài hoa. Hoa phượng đỏ biểu trưng cho thành phố Hải Phòng. Miền Tây Bắc đặc trưng với hoa ban. Tây Nguyên có hoa dã quỳ vàng rực như mầu nắng. Nhưng "định vị" loài hoa bản sắc của Hà Nội không dễ dàng. Người Hà Nội truyền thống thích chơi lan, trà. Ngày Tết chơi thủy tiên, chơi đào. Người Hà Nội tự hào về sen Tây Hồ, tự hào về những con phố thơm mùi ngọc lan, hoàng lan. Có nhà văn thì bảo "trong máu người Hà Nội có vị sấu chua". Ấy thế mà không một loài cây, loài hoa nào trong số này đủ sức "đọng" lại trong lòng người như một hình ảnh tiêu biểu cho Thủ đô, cho đến khi bài hát "Hoa sữa" ra đời... Cho đến giờ, khi ca khúc đã tồn tại mấy chục năm, người ta vẫn khó tìm được hình ảnh nào tiêu biểu hơn cho Hà Nội như hình ảnh "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm". Nhiều người bảo rằng, không có nhạc sĩ Hồng Đăng, hẳn người Hà Nội cũng không nhận ra những cây hoa sữa của mình "nồng nàn" đến thế.

Chỉ vài năm nữa, nhạc sĩ Hồng Đăng sẽ bước sang tuổi 80. Ông vẫn hay đùa: "Nhưng tâm hồn tôi thì vẫn như một anh chàng chưa đến 30". Sau một tai nạn giao thông cách đây mấy năm khiến ông đi lại khó khăn, nhưng sức sáng tạo trong ông không hề thuyên giảm. Ông vẫn khoe những sáng tác mới của mình. Tình yêu với nghệ thuật vẫn nồng nàn như hương hoa sữa độ nào. Câu chuyện về ca khúc "Hoa sữa" của Hồng Đăng rất thú vị. Hóa ra ông viết ca khúc không phải bằng sự cảm nhận về Hà Nội, mà từ một... đơn đặt hàng. Đó là khi cố đạo diễn Đức Hoàn đề nghị ông viết ca khúc cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" (năm 1978). Thời gian ấy, ông phải theo đoàn làm phim hằng tháng để lấy cảm hứng. Đến sát thời gian hoàn thành bài hát rồi mà nhạc sĩ vẫn chưa tìm được ý tưởng gì. Một người bạn là nhà thơ lúc ấy "mách nước": Hà Nội có hoa sữa. Loài hoa này có mùi thơm độc đáo lắm, không nơi nào có. Lấy nó làm biểu tượng cho một tình yêu thì còn gì bằng. Vậy là hình ảnh một đôi trai gái Hà Nội yêu nhau, rồi phải xa nhau hiện lên trong đầu ông. Những ca từ ngọt ngào sâu lắng cứ thế được viết ra.

Bài hát "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng đã khiến không biết bao nhiêu người yêu hoa sữa, cũng khiến không biết bao nhiêu người... khổ vì hoa sữa. Nhiều địa phương thấy bài hát hay quá, nên đã đem giống hoa sữa về trồng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt bài báo đua nhau "kể tội" hoa sữa, nào là mùi hoa sữa nồng làm váng đầu cả khu phố, nào là hoa sữa làm nhiều người bị viêm đường hô hấp... Thậm chí, có tờ báo viết hẳn một thiên phóng sự "Người miền trung khổ vì hoa sữa" với những cụm từ rất nặng nề như "vấn nạn hoa sữa". Rồi còn có người viết thư... khiếu nại nhạc sĩ, cho rằng ông viết không đúng về hoa sữa. Sau khi trồng hàng loạt, người ta lại tốn công đi... chặt hàng loạt. Khi được hỏi ông nghĩ sao khi tình cờ...làm khổ người khác như thế, nhạc sĩ Hồng Đăng cười bảo: Thực ra, ở Hà Nội, trước đây người Pháp trồng hoa sữa khá thưa, kể cả những con phố nhiều hoa sữa như Nguyễn Du, Quán Thánh... Mật độ hoa sữa như vậy thì mùi hương mới đủ "ngọt ngào", bao năm qua có người Hà Nội nào thắc mắc về hương hoa sữa đâu? Còn một số tỉnh miền trung hay một số tuyến phố mới của Hà Nội người ta trồng dày quá, cứ vài mét một cây, nhất là thời tiết miền trung mùa đông không lạnh như Hà Nội nên từ nồng nàn biến thành... nồng nặc là điều dễ hiểu.

Cũng vì câu chuyện này, người ta đã bàn ra, tán vào không ít về sự ra đời của bài hát "Hoa sữa". Kể từ khi "Hoa sữa" ra đời, cũng đã nhiều người đề xuất những loài hoa khác đặc trưng cho Hà Nội. Nhưng rồi sau bao tháng năm, hoa sữa của Hồng Đăng vẫn "trụ" lại với thời gian. Cái chất Hà Nội hiển hiện trong giai điệu chậm rãi mà sâu lắng, những hình ảnh phố phường chỉ thoáng qua trong câu hát nhưng đã "chắt" ra những gì đặc sắc nhất của Hà Nội. Có người bảo, Hồng Đăng viết về hoa sữa như có "thần giao cách cảm".

Không một từ "Hà Nội" nào được nhắc đến trong "Hoa sữa". Những sáng tác khác của ông về Hà Nội cũng thế. Cũng giống như "Hoa sữa", khi nét nhạc của "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" mới chỉ dạo lên, những con phố thân quen của Thủ đô yêu dấu đã hiện lên trong lòng người nghe. Người ta hình dung ngay đến những con phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... rợp bóng cây, và có tiếng ve "đu cành sấu", một loài cây đặc trưng khác của Hà Nội.

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng có khoảng 1.000 tác phẩm, gồm cả thanh nhạc, khí nhạc và viết cho hợp xướng. Riêng nhạc phim, ông cũng có tới 70 tác phẩm. Trong gia tài ấy, những tác phẩm về Hà Nội của ông chiếm một vị trí không nhỏ. Nhưng nếu hỏi nhạc sĩ Hồng Đăng đánh giá về những nhạc phẩm ông viết về Thủ đô, sẽ là một câu hỏi khó trả lời. Ông bảo rằng, điều quan trọng là tác phẩm còn lại trong lòng công chúng đến bao giờ. Sinh ra ở Nghệ An, nhưng phần lớn cuộc đời sống tại Hà Nội nên Hồng Đăng đã viết nhiều tác phẩm về Hà Nội. Nhưng nói đến Hồng Đăng, trước hết phải nói đến "Hoa sữa". Bởi chính từ đó mà thành phố được mang tên "thành phố hương hoa sữa".