Người "cũ" Kẻ Chợ

Trong một con ngõ khuất khúc, bất chợt có thể hiện ra một chiếc giếng thơi. Ðôi khi cái giếng vẫn được mấy hộ dân dùng. Ðấy chính là phố cổ. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu... đều bảo rằng, rất khó để giải thích sự cuốn hút của Hà Nội. Ở đó có những nếp cũ, những người cũ, nghề cũ, mà có lẽ chỉ khi mất đi người ta mới nhận ra giá trị.

Dưới gốc đa cổ thụ bên Hồ Gươm (Hà Nội), 50 năm nay, ông Lê Văn Quý gắn bó với nghề khắc chữ đẹp lên bút, tặng phẩm.
Dưới gốc đa cổ thụ bên Hồ Gươm (Hà Nội), 50 năm nay, ông Lê Văn Quý gắn bó với nghề khắc chữ đẹp lên bút, tặng phẩm.

Ðiểm chung nào giữa không gian văn hóa của đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu với nghề khắc bút? Dường như là không. Một bên là những công trình có bề dày văn hóa. Một bên là một thứ nghề chẳng lấy gì làm vinh quang lắm. Cũng không phải nghề cổ truyền, đáng được bảo tồn như những nghề chạm bạc, bốc thuốc, làm ô mai... trong phố cổ. Ấy thế mà có người lại chọn hình ảnh ông già khắc bút như một trong những hình ảnh đại diện của không gian này. Người khắc bút ấy là ông Lê Văn Quý. Cách đây chừng hơn 20 năm, ở Hà Nội, thi thoảng vẫn gặp người khắc bút rong. Người ta cũng đi rao chẳng khác những hàng rong. Nhưng rồi cái nghề khắc bút đã lùi vào quá khứ. Có lẽ, ông Quý là người duy nhất còn lại của cái nghề này. Một nghề "rất cũ".

Ðã có lần tôi tìm cách phỏng vấn ông với tư cách một phóng viên nhưng bất thành. Ông từ chối khéo vì đó là một nghề rất bình thường. Thế rồi lần khác, tôi lân la nói chuyện và biết thêm về cuộc đời ông. Gần 80 tuổi đời, nửa thế kỷ khắc bút. Quả là một chặng đường dài. Thời "hoàng kim" của khắc bút đã lùi vào xa lắm. Những năm chiến tranh, chiếc bút máy Trường Sơn, Hồng Hà là những vật phẩm, quà tặng quý báu mà các chàng trai, cô gái trao tặng nhau, nhất là khi lên đường làm nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người ta lưu lại tên người yêu, những dòng chữ kỷ niệm, những hình ảnh tượng trưng cho tình yêu như đôi chim bồ câu, bông hoa hồng... Vốn có hoa tay, lại lấy giá rẻ nên từ những năm 60 của thế kỷ 20, cái gốc đa bên đền Bà Kiệu đã trở thành địa chỉ khắc bút quen thuộc của người Hà Nội khi ông Quý chọn đây là nơi làm việc. Cứ sáng ông đạp xe ra Bờ Hồ, tối quay về. Ðồ nghề vỏn vẹn trong chiếc hộp sắt nhỏ, với vài con dao khắc. Tuổi nay đã cao, nhưng chỉ vài phút, ông đã hoàn thành yêu cầu của khách, với một "họa phẩm" tí hon. Biết bao gương mặt lạ quen đã trôi qua cùng với những món đồ lưu niệm. Nhưng có một kỷ niệm mà cả đời ông không quên được, khi có lần chiếc bút ông khắc đã giúp một gia đình ở Thái Bình tìm ra hài cốt liệt sĩ. Ðó là khi người ta thu thập được hài cốt liệt sĩ mà không có nhiều dấu vết để xác định danh tính, tư trang đã nát thành cát bụi thì bất ngờ tìm được một cây bút có khắc tên con trai, ngày tháng năm sinh và quê hương người chiến sĩ... Nhờ thế, bà Nguyễn Thị Hồng (Kiến Xương - Thái Bình) tìm được mộ chồng...

Ông Quý vẫn ngồi đó, bên gốc đa trăm tuổi. Cảnh vật vẫn không thay đổi nhiều, chỉ có ông già khắc bút già đi theo năm tháng. Nhiều khách du lịch cũng ngồi trầm ngâm ngắm ông già khắc bút bên hồ Hoàn Kiếm, cho dù khách đến khắc bút ngày một ít hơn. Tôi vẫn cứ ngờ ngợ rằng không ít chàng trai cô gái của thời hoàng kim khắc bút năm xưa thế nào cũng có những phút xao lòng khi nhìn lại hình ảnh ông lão bên đền Bà Kiệu.

Cũng "cũ" không kém ông già khắc bút, là ông lão chiếu phim quay tay duy nhất ở Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Long, chủ sở hữu "rạp phim" nhỏ nhất Việt Nam. Thật khó giải thích tại sao, khi Hà Nội có vô số cụm rạp chiếu phim hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế như: Mega Star, Platinumcineplex hay các cụm rạp Tháng Tám, Trung tâm chiếu phim Quốc gia... thì vẫn tồn tại cái rạp phim "quay tay" bé tí của ông Long. "Rạp chiếu phim" của ông Long thực chất là chiếc máy chiếu phim 6 mm cổ lỗ do Liên Xô (trước đây) sản xuất. Khi xem phim, người ta phải ghé một mắt vào chiếc máy. Những thước phim tạo ra những hình ảnh chuyển động hiện ra trước mắt khán giả đều phụ thuộc vào đôi bàn tay của người nghệ sĩ đường phố Nguyễn Văn Long. Không chỉ dựa vào những phim có sẵn, ông Long còn tự tạo ra những bộ phim của riêng mình. Trong "kho" phim phục vụ khán giả, có đến... 50 bộ phim do ông tự sản xuất. Ðó là các bộ phim hoạt hình cắt giấy. Việc sản xuất phim hoạt hình để trình chiếu là cả một quá trình lao tâm khổ tứ. Những thước phim mà khán giả được xem đều là phim "câm". Ðể có âm thanh, mỗi khi có khách, ông trực tiếp làm người thuyết minh phim luôn cho khán giả. Ông "thuộc bài" đến nỗi, chỉ mỗi mình khán giả được xem phim, nhưng ông thuyết minh, tạo ra những âm thanh sát với bộ phim như là đã được chuẩn bị lồng tiếng kỹ càng. Thậm chí, không chỉ thuyết minh lời, ông còn phải bắt chước để tạo ra tiếng ếch kêu, chim hót... và nhiều âm thanh khác nếu trong phim có những đoạn mô tả cảnh ấy. Ông Long phải tự viết kịch bản, tự làm đạo diễn, tự tay vẽ hình ảnh hoặc cắt dán hình ảnh từ các truyện tranh rồi dựng phim. Gần 70 tuổi, ông Long có hơn nửa đời gắn với nghiệp làm phim. Có lẽ khó có thể tìm đâu trên thế giới rạp chiếu phim thủ công đến thế.

Khi tìm hiểu vì sao "rạp phim ông Long" vẫn tồn tại, dù có nhiều rạp hiện đại, tôi nhận ra, trong rất nhiều người đến xem, có những người đi tìm lại ký ức của mình. Hà Nội một thời thiếu thốn. Ðược đến Công viên Thủ Lệ chơi là mơ ước của nhiều đứa trẻ. Ðược xem một bộ phim của ông Long đôi khi còn là một trong những kỷ niệm lớn nhất của thời ấu thơ. Không ít "đứa trẻ" của ngày hôm qua dẫn con cái đến Công viên Thủ Lệ để cho đứa trẻ ngày hôm nay được "thưởng thức" rạp phim ấy, cũng để sống lại ký ức của mình.

Ðiều kỳ lạ ở ông lão khắc bút là dù gia đình con cái trưởng thành, chẳng khó khăn gì về kinh tế, ông vẫn cần mẫn đạp xe ra chỗ ngồi quen thuộc. Người ta vẫn thấy ông ngồi đó, cho dù đó là một ngày giá rét căm căm. Những con người làm công việc rất bình thường, nhưng dường như, bản thân những con người ấy, đã vượt qua cái ranh giới của cuộc mưu sinh, để góp phần tạo ra nét riêng ở Hà Nội. Rất nhiều người, ngay cả những nhà nghiên cứu hay giới văn nghệ sĩ luôn cảm thấy rất khó giải thích về sự quyến rũ của thành phố ngàn năm. Nếu tìm hiểu, Hà Nội không chỉ có một ông Quý, một ông Long, còn rất nhiều những "người cũ" khác. Trong những con ngõ khuất khúc luôn ẩn chứa những bất ngờ. Ðấy mới là Hà Nội.