Nét đẹp của du lịch Thủ đô

Năm nay, hơn 200 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội tiếp tục đồng hành với chương trình “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội”. Hoạt động của các bạn sinh viên đã góp phần tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Thủ đô, đồng thời các bạn trẻ có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn, trau dồi kiến thức.

Các tình nguyện viên giới thiệu với du khách nước ngoài về di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: ĐĂNG ANH
Các tình nguyện viên giới thiệu với du khách nước ngoài về di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: ĐĂNG ANH

Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm luôn là một trong những không gian thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế. Tại số 28 phố Hàng Dầu, có một hoạt động hết sức đặc biệt. Bất kỳ du khách nào có nhu cầu, chỉ cần đến đăng ký, sẽ được những tình nguyện viên trẻ tuổi hướng dẫn khám phá phổ cổ miễn phí. Khách du lịch thường chọn hai tua chính: “Dấu ấn phố nghề Thăng Long trong lòng Hà Nội” và “Giao thoa với văn hóa phương Tây”. Ở tua khám phá phố nghề, từ điểm xuất phát là phố Hàng Dầu, khách tham quan sẽ được đưa qua các phố: Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Hàng Đào, Hàng Ngang... rồi đến Hàng Quạt, Tô Tịch, sang Hàng Gai, vòng qua Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Các hướng dẫn viên sẽ giới thiệu với du khách những câu chuyện về Hà Nội 36 phố phường xưa, với phố Hàng Đào bán tơ lụa, phố Lãn Ông với nghề đông y cổ truyền, phố Hàng Gai chuyên đồ nghề chài lưới của ngư dân... Tua khám phá phố nghề sẽ kết thúc bằng chuyến thăm di tích đền Bà Kiệu - nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam. Đền Bà Kiệu là điểm khởi đầu của tuyến “Giao thoa với văn hóa phương Tây”. Tiếp đến, khách du lịch sẽ được khám phá quanh hồ Hoàn Kiếm, với điểm dừng ở tượng đài Vua Lê Thái Tổ, điểm nhấn tiếp theo là chùa Bà Đá, chùa Lý Triều Quốc Sư. Dấu ấn phương Tây trong tuyến tham quan này là Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ thánh Saint Joseph). Những vị khách trong nước đến từ miền nam, hoặc khách du lịch phương Tây rất thích hành trình này. Chị Nguyễn Thị Minh, đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Gia đình tôi tự tổ chức đi tham quan Hà Nội, khi biết có dịch vụ hướng dẫn tham quan phố cổ miễn phí, tôi đã đăng ký và rất vui khi được các bạn trẻ hướng dẫn khám phá thành phố. Các bạn trẻ thật nhiệt tình và năng động”.

Tua du lịch khám phá phố cổ là một trong những hoạt động của chương trình tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội 2017”. Nếu như các đội hỗ trợ du lịch khác hoạt động ở một điểm di tích nhất định như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long..., thì địa bàn hoạt động của các “hướng dẫn viên” tại khu vực phố cổ rộng hơn, phải qua nhiều khu phố, nhiều di tích, đòi hỏi tính tương tác cao hơn. Phó Chủ nhiệm khoa Du lịch (ĐH Mở Hà Nội) Trần Thị Nguyệt Quế cho biết: “Để được tham gia đội “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội”, sinh viên cần đạt những tiêu chí như: học lực khá, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ trôi chảy, có kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý tốt... Sau khi được chọn lựa, nhà trường phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Công ty Vietnamtourism tập huấn thêm các kỹ năng về thuyết minh, hướng dẫn, xử lý câu hỏi của khách du lịch, xử lý tình huống, các kỹ năng giao tiếp, thậm chí cả kỹ năng sơ cứu y tế trong một số trường hợp đơn giản... và tạo điều kiện về thủ tục để các sinh viên có thể thực hành hướng dẫn khách du lịch”. Hiện tại, mỗi tuần tua du lịch khám phá phố cổ hướng dẫn cho hàng trăm lượt khách. Đội “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội” của Viện Đại học Mở còn có các sinh viên tình nguyện trực hỗ trợ khách tại hồ Hoàn Kiếm, khu vực chợ đêm phố cổ. Nguyễn Hưng Long, sinh viên Khoa Du lịch, Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Tại mỗi điểm đến, chúng em được giao các nhiệm vụ tuyên truyền về các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng; hỗ trợ nghiệp vụ du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn tiếp đón khách; giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan di tích, danh thắng. Em không chỉ học được kiến thức, giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng, cũng như nghiệp vụ du lịch mà còn ngày càng có thêm kỹ năng, tiếp đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây thật sự là một hoạt động thiết thực với các sinh viên ngành du lịch như chúng em”.

Chương trình “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội” do Sở Du lịch phối hợp các trường đại học, cao đẳng có khoa du lịch, văn hóa như Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Thủ đô thực hiện từ năm 2016. Năm nay, có hơn 200 sinh viên tình nguyện tham gia. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, việc lựa chọn cũng như tập huấn được tiến hành kỹ càng hơn, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Địa bàn hoạt động chính của sinh viên gồm: Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Hoàn Kiếm và tượng đài Lý Thái Tổ, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực phố cổ và chợ đêm Hà Nội, Quầy thông tin du lịch phố Lê Thạch và số 28 phố Hàng Dầu. Ngoài ra, các sinh viên còn tham gia hỗ trợ các sự kiện du lịch của thành phố. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang khẳng định: “Chương trình không chỉ nhằm nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động xã hội cho tình nguyện viên, mà còn mong muốn mỗi em sẽ là một đại sứ nhỏ, một tuyên truyền viên tích cực quảng bá vẻ đẹp của Thủ đô”.