Mến thương mùa cốm

Chẳng phải đợi đến dịp giữa thu trong mát, mà bây giờ, cốm đã được bán quanh năm. Buổi sáng, lượn quanh chợ Hà Ðông đã thấy mấy chị ngồi trên hè và chênh chếch bên kia đường chỗ hiệu sách nhân dân cũ.

Hương cốm mùa thu trên phố. Ảnh: Tất Định
Hương cốm mùa thu trên phố. Ảnh: Tất Định

Thúng mẹt gọn nhỏ, thò ít sợi rơm tươi, trên đặt chiếc cân có quả móc cũ kỹ. Người bán cốm ngồi lẫn chìm trong phố chợ dần đông. Chỗ này, thường bán cốm của các chị bên Mễ Trì mang sang. Còn đằng nhà cô tôi ngoài Hàng Trống, đều đặn ngày ngày có người mang cốm Vòng đi quanh quanh các phố trung tâm. Muốn mua thì gọi cái là được, hoặc hẹn từ hôm trước.

Hồi tôi còn bé, một trong những dấu hiệu để biết mùa thu đến là cốm. Hàng bán không sẵn như bây giờ, thấy các cô mang gói cốm từ Hà Nội vào là sắp đến trung thu. Ban đầu tôi không biết cốm được làm từ thóc nếp, chỉ biết món đó gọi là cốm, nhúm một nhúm ăn thử, ban đầu chưa thấy hấp dẫn, chỉ thấy nhạt nhạt, dai dai. Nhai một lát thấy có gì thơm lên trong miệng, vị ngòn ngọt rất dịu, như thơm thoảng cánh đồng tươi tốt lúc mình được chở đi ngang qua trên đường về quê.

Lớn lên thì thích cốm hơn, nhất là lúc biết ăn cốm với chuối tiêu trứng cuốc tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo, ăn mãi không chán. Năm nào cũng vậy, ngày rằm tháng tám, bố mẹ tôi bày lên ban thờ để thắp hương các cụ một quả bưởi da xanh rám dần phía cuống, nải chuối tiêu lấm tấm trứng cuốc, mấy quả hồng đỏ, hồng ngâm xanh, đĩa cốm nguyên lá sen để bên, hé mở, với lọ hoa cúc vàng rực rỡ… Tín hiệu trung thu là đồ lễ như thế kể cũng hấp dẫn, nó đến từ mắt nhìn và mơ tưởng với chút kinh nghiệm ít ỏi của tuổi thơ về việc được ăn hồng ngọt chát, ăn bưởi chua và nhai cốm. Còn để biết gió thu heo may se se thế nào, không gian thu xa xa mờ nhạt ra sao, thì trẻ con chưa biết được.

Bây giờ tôi lang thang các phố phường mới mọc lên trên làng quê làm cốm truyền thống của Hà Nội thấy hiện diện những cổng làng đồ sộ xây kiểu nửa cổ, nửa kim cùng những ngõ bê-tông san sát nhà tầng. Bao nhiêu dấu vết xưa mà thế hệ chúng tôi chưa có dịp được chạm đến, những vạt ruộng nếp dành làm cốm, những bếp lò đắp đỏ lửa rang thóc nếp, chiếc cối đá giã cốm lòng nhẵn bóng và cái chày gỗ giậm chân,… giờ đã thưa vắng, nhường chỗ cho quy trình sản xuất cốm có máy móc phụ trợ, việc nhanh hơn, người khỏe hơn.

Thế nhưng cùng với mùa thu, mùa trăng, cốm vẫn còn đấy, còn sản sinh theo những giọt mồ hôi người "canh cốm", người ngồi bán cốm khiêm nhường bên gánh hàng nhỏ. Còn đấy những người chở cốm rong ruổi vào phố cũ. Phố đã bao nhiêu thức quà ngon, nhưng hương vị cốm không lẫn vào đâu được, còn trong niềm yêu mến, đón chờ. Và người cần mẫn gánh cốm đi rong, chở cốm trên xe còn trong niềm trông ngóng của người hàng phố.

Còn đấy, hương thời gian, sương nắng thấm vào những mầm, những hạt đất trời, "luyện" nên bông lúa non xanh bàng bạc, qua tuốt, sàng, đãi, rang, giã, sảy mà thành những hạt cốm dẹt mềm, xanh ngọc, trong trẻo. Còn đấy, cái sự kỳ công chế biến hạt nếp thành một thứ quà ăn chơi, ăn vui, nhấm nháp để ngấm mùa, thấm thía thời gian, để đón chờ tháng tám ngày rằm với sương thu trong mát, với trăng vàng lộng lẫy.

Hình như, con người nghĩ ra cái thức cốm ấy mà làm đẹp đời sống sinh hoạt ẩm thực theo ngày, theo mùa của mình, thì cốm cũng góp vẻ đẹp màu, hương, vị như những duyên thầm nhỏ bé của mình vào "luyện" cái tính người, nét người. Làm cốm không được vội, mà thưởng cốm cũng chẳng thể tham thô. Ðón cốm, cũng ít khi thấy người ta ăn một mình, mà thường thưởng thức cùng bạn bè, người thân. Ðể mở ra ít một, nhấm nháp mà cùng chia những cảm nhận, chia những câu chuyện thu sang năm nay, mùa hồng, mùa cốm năm xưa, và mùa trăng tròn đang đến…