Những tình yêu Hà Nội

Lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian

Cả một đời gìn giữ thú chơi diều sáo và các trò chơi dân gian, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vừa được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Năm nay đã bước sang tuổi 81, nhưng ông vẫn nhiệt tình truyền dạy cách làm, chia sẻ cái hay, cái đẹp của trò chơi dân gian, để lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian cho trẻ em.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm diều sáo.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm diều sáo.

Đến thôn Ðàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) những chiều hè, từ xa, đã nghe tiếng "đu đu, đi đi" trầm bổng vọng lại. Hầu hết những người nơi xa đến đây đều ngạc nhiên bởi những âm thanh kỳ lạ. Nhưng với người dân nơi đây, đó là âm thanh thân thuộc của tiếng sáo diều. Tiếng nhạc cứ ngân nga cho mãi đến tối muộn. Người Ðàn Viên tự hào rằng thôn mình có dàn "nhạc trời" độc đáo. Hỏi về chơi diều sáo, người dân ai cũng chỉ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Ông Quyền kể: "Chơi diều là trò chơi truyền thống từ xa xưa của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Làng tôi ngày xưa các cụ chơi diều sáo vui lắm. Từ nhỏ, thấy các cụ chơi diều sáo, mình chưa làm được nhưng cũng tập vót cật tre uốn làm sáo. Khi diều bay lên, có gió thổi vào sáo sẽ kêu ve ve. Bây giờ nghe thì buồn cười, nhưng trước thì vui lắm. Diều muốn "cõng" được sáo phải diều to, dây chắc. Gọt diều sáo không khó, nhưng muốn hay thì phải qua nhiều lần thử nghiệm. Chính vì khó cho nên dễ sinh mê".

Cánh diều truyền thống ở Ðàn Viên có hai loại, diều lá đa là loại lớn, diều lá muỗm loại nhỏ hơn. Sau này, người ta chế tạo thêm diều có đuôi, đẹp nhất là loại đuôi én, với hai cánh đuôi xòe ra duyên dáng. Những loại diều hình thù cầu kỳ sẽ ảnh hưởng đến đón gió của cây sáo. Khó nhất vẫn là làm sáo diều. Ông Quyền kể, ngày trước, phải chọn ống tre già, thật khô, thật nhẹ. Giữa thân phải khoét lỗ. Hai đầu ống tre được gắn hai miếng gỗ, cũng được đục lỗ, gọi là "miệng sáo". Miệng sáo bằng loại gỗ mềm, dai như gỗ mít và cũng được khoét lỗ. Kích thước, độ nghiêng của lỗ trên miệng sáo quyết định độ trầm bổng của mỗi chiếc sáo. Người ta làm sáo đôi, nhiều hơn thì ba, năm, bảy ống sáo kết thành bè rồi gắn vào diều. Mỗi chiếc lại có độ trầm, bổng khác nhau để khi đón gió, chúng tạo thành bản nhạc. Bản thân ông Quyền từng nhiều lần thất bại trước khi làm được những cây sáo cho tiếng "cứng cáp". Khi gió nhẹ, tiếng sáo như dòng suối êm đềm. Khi cơn gió mạnh thổi đến, âm thanh thúc giục như một khúc tráng ca. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cần mẫn tìm hiểu, nghiên cứu mỗi ngày để sao cho tiếng sáo hay hơn. Những tháng năm vất vả, chiều về, thả cây diều vút lên, nghe tiếng sáo vi vu, thấy như những tâm sự của mình được thả theo mây, theo gió, thấy nhẹ nhõm cả người. Tiếng sáo diều là bầu, là bạn của tôi", ông chia sẻ.

Diều sáo là thú vui tao nhã của người nông dân nhưng cuộc sống mưu sinh khiến nhiều người xa rời nghệ thuật chơi diều sáo. Bọn trẻ thường chỉ quen với mấy cánh diều mua sẵn. Khi được mời lên Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian, được tiếp xúc với các nhà khoa học, ông Quyền mới biết đằng sau thú chơi ấy là những câu chuyện văn hóa, là giá trị di sản. Ông vận động mọi người trong thôn, cũng như một số địa phương trên địa bàn huyện Thanh Oai có thú chơi diều sáo thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Thanh Oai. Dù khi đó tuổi đã cao, ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ. Diều sáo không chỉ dừng lại là thú chơi đồng quê nữa, ông Quyền còn tích cực tham gia biểu diễn, giới thiệu diều sáo ở nhiều địa phương, mời các nơi về giao lưu. Ðể "nối dài" tình yêu với cánh diều, ông không quản đường xa đến các trường học, bảo tàng, trung tâm văn hóa... hướng dẫn cách làm diều, nhất là diều sáo cho các em học sinh. Cách nói chuyện dí dỏm, vui tươi của ông già tóc bạc khiến các em rất dễ "say", dễ "ngấm".

Cùng với diều sáo, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền còn đam mê làm đèn kéo quân, cũng là một đồ chơi dân gian xa xưa truyền lại. Xưa kia đèn kéo quân là một món đồ chơi "hạng sang" với trẻ em, nhất là dịp Trung thu. Thôn Ðàn Viên từng có nghề làm đèn kéo quân. Nhưng rồi những trò chơi hiện đại lấn át, nhiều người dần bỏ nghề làm đèn. Cả làng chỉ còn hai người là nghệ nhân Vũ Văn Sinh và ông Quyền còn làm. Dẫu cả vụ cũng chả được bao nhiêu tiền, nhưng Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền rất hăng hái. Tuổi cao song ông Quyền vẫn truy cập mạng xã hội để giới thiệu những trò chơi dân gian, giới thiệu đèn kéo quân để bán hàng, nhưng không chỉ vì lợi nhuận mà để chia sẻ, lan tỏa tình yêu với những đồ chơi, trò chơi dân gian thú vị ngày xưa.

Năm 2017, các cán bộ văn hóa đến hướng dẫn ông Quyền kê khai hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân. Ông Quyền ngạc nhiên lắm. Ông chỉ biết lưu giữ những nét đẹp cha ông và truyền lại cho giới trẻ, chưa bao giờ nghĩ đến danh hiệu… Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, trong đợt thứ hai. Những ngày cuối tháng 5-2019 vừa rồi, ông Quyền là nghệ nhân duy nhất của Hà Nội được tôn vinh danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực diều sáo, khi UBND thành phố Hà Nội tổ chức trao Bằng công nhận cho các nghệ nhân.