Những tình yêu Hà Nội

Kể chuyện lịch sử đô thị Hà Nội

Tốt nghiệp đại học mỹ thuật trong nước và nước ngoài, nhưng nhiều người nghĩ Nguyễn Thế Sơn (trong ảnh) là một nhà kiến trúc hoặc nhà nghiên cứu, bởi anh dành nhiều thời gian cho sáng tác tranh, ảnh về kiến trúc Hà Nội. Tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh đến yếu tố biến đổi của một đô thị. Chỉ một ngôi nhà, anh đã chọn ra được những góc độ mà ở đó người ta thấy được cả một “tổ hợp” các phong cách kiến trúc. Anh kể chuyện lịch sử đô thị qua những tác phẩm của mình.

Kể chuyện lịch sử đô thị Hà Nội

Không phải ai cũng nhận xét tranh hay ảnh của Nguyễn Thế Sơn “đẹp” trong lần đầu tiên ngắm những tác phẩm nghệ thuật của anh. Nhưng có một điều chắc chắn, người ta thấy băn khoăn, suy ngẫm - Nguyễn Thế Sơn thích gọi điều đó là “hoang mang”. Và quả đúng như vậy. Ở triển lãm ảnh “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” đang diễn ra tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, nhiều người thật sự thấy hoang mang khi xem những bức ảnh của anh về những ngôi đình trong phố cổ. Lý giải cho việc chọn chủ đề đình, Nguyễn Thế Sơn bảo rằng, ngôi đình có khả năng “kể chuyện” lịch sử phố cổ hơn các di tích khác. Người tứ xứ khi đến Thăng Long - Hà Nội làm ăn, đã lập ra các ngôi đình, rồi đưa thành hoàng ở quê hương họ vào thờ. Lịch sử ngôi đình gắn liền với sự ra đời phát triển những phố nghề. “Đây là một ngôi đình ư? ”, “Tại sao một quán bar, một quán cà-phê, một tòa nhà ống cao tầng lại được chú thích là một “ngôi đình? ”... Rất nhiều câu hỏi được khách tham quan đặt ra khi ngắm ảnh của Nguyễn Thế Sơn... Nguyễn Thế Sơn đã chụp tất cả 70 ngôi đình, hoặc đã từng là đình trong Khu phố cổ Hà Nội. Người ta hoang mang, người ta “giật mình” bởi những biến đổi mà bình thường người ta dễ bỏ qua.

Phố cổ có lộn xộn không? Hẳn là không thể phủ nhận. Nhưng các nghệ sĩ vẫn ưa tìm tòi những nét lãng mạn, không phải ai cũng “dũng cảm” nhìn vào thực tế. Nguyễn Thế Sơn là người đi ngược chiều. Anh “tả thực” những ngôi đình theo kỹ thuật chụp ảnh kiến trúc. Sau những phút đầu thấy băn khoăn, là lạ hay hoang mang theo cách nói của anh, người ta sẽ bắt đầu suy nghĩ. Chỉ một tấm ảnh về một ngôi đình đã chứa bao “lớp lang” lịch sử, bao dấu ấn của sự biến đổi mạnh mẽ. Một vài dấu ấn rêu phong ẩn sau lớp song sắt mới hàn bởi sự cơi nới làm chốn mưu sinh. Một tấm biển hiệu sáng choang, nhưng lấp ló đâu đó là những họa tiết cổ. Một quán bar hiện đại, mang cái tên “Temple” (Ngôi đền). Cái tên đó không phải ngẫu nhiên mà có. Ngôi đền xưa nay đã “biến hình” thành quán xá. Riêng tôi thích gọi những bức ảnh của Nguyễn Thế Sơn là lời “cảnh tỉnh” về cách ứng xử đối với những di sản ở phố cổ.

Nguyễn Thế Sơn sinh ra ở phố Hàng giấy. Thế hệ 7X của anh may mắn hơn thế hệ sau này, khi những phố cổ chưa bị biến dạng đến méo mó. Những tác phẩm về Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn trong những sáng tác của anh, cả ở hội họa lẫn nhiếp ảnh. Riêng về nhiếp ảnh, có ba triển lãm lớn của Nguyễn Thế Sơn mà mỗi lần ra mắt, người sống ở Hà Nội phải nhìn lại chính mình. Đầu tiên là triển lãm “Nhà mặt phố”. Anh đem đến cho người xem những ngôi nhà chỉ có 4 đến 5 m bề ngang, nhưng cao đến 20 m hay hơn thế, toàn bộ bề mặt được phủ kín bằng... biển quảng cáo. Nguyễn Thế Sơn bảo, anh không tô hồng, cũng không bôi đen. Anh không bình luận. Bởi bình luận sẽ là áp đặt quan điểm của anh lên mọi người. Nhưng khi xem những tấm hình ấy, rất khó để người ta không nảy lên những suy nghĩ trong đầu: Đâu là tính kế thừa trong kiến trúc? Đâu là phong cách kiến trúc của thời kỳ này? Trình độ thẩm mỹ của hôm nay so với xưa ra sao? Nguyễn Thế Sơn muốn mọi người chiêm nghiệm rồi tự đưa ra quan điểm sau khi xem. Đây là quan điểm xuyên suốt khi anh thực hiện dự án tiếp theo là “Nhà Tây biến hình” và “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”. Từ “Nhà mặt phố” đến “Nhà Tây biến hình” và “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, Nguyễn Thế Sơn đã làm một hành trình từ hiện tại đến quá khứ của diện mạo đô thị Hà Nội, từ kiến trúc cổ, cho đến kiến trúc Pháp thuộc và hiện đại mà ở đó bật lên câu chuyện về sự biến đổi. Hiếm khi Nguyễn Thế Sơn nói anh yêu mến Hà Nội ra sao, tâm huyết với thành phố thế nào. Nhưng những dự án anh thực hiện đã nói thay lời. Khi thực hiện dự án nhiếp ảnh “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, trước tiên anh xin danh sách những “ngôi nhà chung”. Anh “nhập vai” một người đi tìm những “ngôi nhà chung” ấy để xem bây giờ nó ra sao. Nguyễn Thế Sơn cầm bản đồ lang thang trong phố. Anh đọc lịch sử, tìm gặp những nhân chứng để hiểu về lịch sử những ngôi đình, về sự biến thiên kiến trúc sau những thăng trầm thời gian (vì thế có người tưởng anh là nhà nghiên cứu). “Có vô số câu chuyện từ những ngôi nhà chung ấy. Mỗi người có cách khác nhau để đem những câu chuyện này đến với công chúng. Và tôi chọn con đường của nghệ thuật thị giác. Bởi đôi khi một tấm hình có thể thay cả ngàn lời nói”, Nguyễn Thế Sơn chia sẻ. Có nhiều buổi đi tìm hiểu và chụp hình nhưng thời tiết hôm đó không ủng hộ phải quay về. Nhiều chủ nhà (những người lấn chiếm diện tích đình) bất hợp tác, phải loay hoay đủ đường mới có thể tiếp cận lịch sử ngôi đình. Cũng có khi một “ngôi nhà chung” nhưng anh cần chụp ở những thời điểm khác nhau nên phải đến nhiều lần... Tính trung bình, mỗi “ngôi nhà chung” Nguyễn Thế Sơn phải đi ba, bốn lần mới xong nhiệm vụ. Khoảng 70 ngôi đình, anh phải mất gần một năm mới hoàn thành. Số tiền bỏ ra cũng hàng trăm triệu đồng. Dự án “Nhà Tây biến hình” cũng vậy, nhưng chi phí còn tốn kém hơn nhiều, bởi ở dự án này, anh đã đưa ngôn ngữ “điêu khắc ảnh”, hay ảnh 3D để thể hiện, khiến tác phẩm trở nên sống động. Tranh của anh (cũng chủ yếu về mảng đề tài đô thị Hà Nội) được các khách hàng nước ngoài rất thích, cho nên anh có thể “lấy ngắn nuôi dài”.

Cũng có người hỏi tại sao Nguyễn Thế Sơn lại chọn những góc nhìn gai góc như thế về Hà Nội và liệu anh “làm được gì” từ những tác phẩm ấy? Nguyễn Thế Sơn bảo rằng, nghệ thuật không đơn thuần là giải trí. Nghệ thuật cũng không làm thay trách nhiệm của người quản lý được. Nhưng nếu người xem suy nghĩ về những thông điệp anh truyền tải, với anh thế là đã thành công.