Kể chuyện Hà Nội xưa qua chiếc áo chần bông

Khi nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy giới thiệu những chiếc áo chần bông thủ công đến công chúng, đã có những tiếng ồ lên ngạc nhiên: “Ngày xưa, ông bà tôi đã mặc những chiếc áo kiểu thế này”. Quả thật, nếu tìm lại những bức ảnh Hà Nội xưa, nhất là vào dịp Tết, ta sẽ thấy rất nhiều người mặc những chiếc áo chần bông lịch lãm. Nhưng điều khiến chị Thủy say mê với áo chần bông không chỉ có thế. Qua chiếc áo chần bông, chị muốn kể câu chuyện văn hóa mặc Hà Nội xưa, từ đó thể hiện sự tự tôn văn hóa dân tộc.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy hướng dẫn các bạn trẻ làm áo chần bông.
Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy hướng dẫn các bạn trẻ làm áo chần bông.

Những người lần đầu nhìn thấy các mẫu áo chần bông của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đều có cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thân quen. Lạ vì không nhiều dịp nhìn thấy áo chần bông, quen vì như đã gặp ở đâu đó. Nhiều người sau khi ngắm những mẫu áo, đã ồ lên: “Ngày xưa, ông bà tôi đã từng mặc chiếc áo thế này”. Nhiều người sống lại những hồi ức xưa cũ, tìm lại những bức ảnh đã ố vàng. Nửa đầu thế kỷ 20, áo chần bông là trang phục phổ biến của “ông bà ta”. Theo các nhà nghiên cứu, chiếc áo chần bông cổ nhất được tìm thấy ở nước ta có niên đại khoảng thế kỷ 17. Suốt nhiều thế kỷ, chiếc áo chần bông là trang phục phổ biến trong mùa đông của người Việt.

Mẹ chị Thủy vốn là cô gái Hà Nội. Chị ít nhiều được thừa hưởng cái tinh tế của người mẹ. Chị bảo: “Hồi bé, mình được mẹ mua cho một chiếc áo chần bông có những bông hoa li ti. Mình có lẽ thuộc thế hệ cuối cùng được mặc áo chần bông khi mà chiếc áo này vẫn còn khá phổ biến. Đến lúc đất nước mở cửa, người ta nhìn chiếc áo chần bông như một thứ lạc hậu”. Lớn lên chút nữa, khi lang thang trên những con phố cổ, chị dán mắt vào những hiệu may cũ kỹ. Ở đó, người ta vẫn treo những chiếc áo chần bông. Và thế là sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, rồi phiêu bạt tại các doanh nghiệp một thời gian, chị quay sang học thiết kế thời trang ở Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Nếu như người mẹ cho chị sự tinh tế, thì người cha - vốn là người say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa cổ truyền - đã truyền cho chị đam mê mỹ thuật truyền thống. Những thiết kế của Trịnh Bích Thủy, kể cả chiếc áo sơ-mi, chị cũng phải đưa họa tiết, hoa văn truyền thống vào… bằng được mới thôi.

Và trong dòng chảy ấy, chị không thể không nhớ đến chiếc áo chần bông. Những nẻo đường cuộc sống khiến chị hiểu sâu hơn về một nét đẹp văn hóa mặc. Chị thấy tiếc, khi chiếc áo dài dân tộc ngày một phổ biến, thì chiếc áo đặc trưng của mùa đông lại hiếm khi xuất hiện. Ngày trước, người ta không chỉ mua áo, mà có những bà mẹ tự tay chần áo cho con. Chị nghĩ đến hình ảnh những bà mẹ ngày này qua ngày khác với chiếc kim trên tay. Chị bảo, chiếc áo gửi gắm tình yêu thương của người mẹ cho con. Chị tìm hiểu thêm về văn hóa mặc của người Hà Nội. Những chiếc áo chần bông may bằng gấm, bằng nhung nền nã, sang trọng từng là niềm tự hào của người Hà Nội, từ trẻ, đến già. Nhất là dịp Tết, người Hà Nội không thể thiếu chiếc áo chần bông. Năm 1999, chị bắt đầu thiết kế áo chần bông. Năm 2010, lần đầu chị làm một triển lãm áo bông chần. Không ngờ, được nhiều người quan tâm đến thế. Nút chần bông vốn có mục đích để cố định bông với lớp vải, trước đây, người ta thường làm hình ô bàn cờ, hay quả trám đơn điệu, nay nút chần bông được biến đổi thành những hình khối khác nhau nhằm mục đích trang trí. Những dáng áo được thay đổi, nhưng chị vẫn thường giữ dáng của chiếc áo cánh, tà xẻ... Đơn giản, mà lại thoải mái trong sử dụng. Năm 2017, chị “trình làng” triển lãm áo chần bông lần thứ hai. Dưới bàn tay sắp đặt của họa sĩ Lê Thiết Cương, thay vì cho những hình khối xuất hiện, những chiếc áo bông được đặt trên những khung tranh với mầu nền sặc sỡ. Rất nhiều trong số đó được thêu những họa tiết đặc biệt, đó là những họa tiết từng xuất hiện trong tranh của chính họa sĩ Lê Thiết Cương. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Không chỉ riêng áo bông, mà tất cả những loại hình nghệ thuật truyền thống khác của người Việt, nếu muốn sống được trong hiện đại, sống trong hôm nay, cho dù là truyền thống thì cũng cần phải làm mới. Những chiếc áo chần bông của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy là cách làm rất hay để bảo tồn truyền thống, làm truyền thống sống trong đời sống hiện đại”.

Những ngày đầu năm 2019, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ), một lần nữa, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đem đến công chúng triển lãm áo chần bông lần thứ ba. Những thiết kế đa dạng hơn, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống xuất hiện. Và xuyên suốt hơn 20 mẫu áo, là trang trí chữ “Thọ” – một chữ Hán thường xuất hiện trong các trang phục cung đình. Những chiếc áo chần bông được may cách tân, toát lên sự sang trọng và cũng rất cá tính.

Có một dạo, người Hà Nội rộ lên mốt mặc áo chần bông. Rồi xu hướng ấy chìm dần. Nhưng thật may, nhờ nỗ lực của chị Thủy và sự thay đổi tư duy, áo chần bông đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thời trang. Những người yêu mến văn hóa truyền thống, những người làm ngoại giao… vẫn là đối tượng khách hàng thường xuyên của chị. Ngày Tết, ngày lễ, người phụ nữ Việt thường mặc áo dài. Mùa lạnh, còn gì đẹp hơn nếu bên ngoài khoác chiếc áo chần bông? Còn trong giao lưu quốc tế, một chiếc áo chần bông, với những họa tiết, hoa văn đậm chất Việt, thể hiện sự tự tôn văn hóa dân tộc. Chiếc áo chần bông, tưởng là câu chuyện đơn sơ, nhưng lại mang một chiều sâu văn hóa.