Hương xưa qua ngõ nhỏ...

Đêm hè, phố nhà mất điện. Mấy mẹ con kê ghế ra đầu ngõ hóng gió. Ngõ nơi phố nhỏ dài cả chục mét, tối om như mực. Vừa phe phẩy quạt cho con, chị vừa nhìn trăng kể chuyện Hằng Nga để lũ trẻ tạm quên đi cảm giác nóng bức khó chịu. Nhưng dường như cổ tích bây giờ chả đủ hấp dẫn để giữ yên bọn nhóc, hằng ngày quen đắm mình trong công nghệ, với những trò giải trí cần sự nhanh mắt, nhanh tay. Trong trí tưởng tượng của chúng, đã ít dần những công chúa, hoàng tử, những ông bụt, bà tiên, cũng chẳng thấy nỗi sợ hãi nào về mụ phù thủy như thuở xưa của cha mẹ chúng. Bọn trẻ ngày nay dường như cái gì cũng biết và biết sớm hơn so tuổi, hay chưa tới, mà dở đã thấy nhiều. Biết vậy mà đâu thể

Con bé liên mồm đòi mẹ kể chuyện khác. Chuyện khác là chuyện gì thì chị cũng chả biết nữa. “Thôi con không nghe thì mẹ không kể nữa”. Nói với nó vậy rồi chị để hai chị em tự chơi với nhau. Ngày xưa, cái thời chị còn bé, điện leo lét, khi có khi không, mới hiểu thế nào là tối đen như mực. Chưa cuối tháng đã hóng trăng đầu tháng. Trăng càng tròn, trẻ càng nghĩ ra lắm trò chơi. Nhìn từ con mình, chị cảm giác trẻ em thế hệ này, nhất là sinh ra ở thành phố thật ra lại rất thiệt thòi. Những bận rộn của người lớn đẩy các em gần hơn thế giới vật chất mà xa dần những giá trị tinh thần. Sự ngây thơ cũng vì thế vơi dần. Ánh trăng với chúng đương nhiên chẳng còn nhiều giá trị.

… Mùi gì hăng hắc quen quen theo làn khói lan ra đầu ngõ. Bé em bị khói lùa qua làm cho cay mắt, nhăn mũi khó chịu, chạy lại lắc lắc tay mẹ thắc mắc. Chị kéo con lại gần: - Mùi bồ kết nướng, chắc nhà ai ở cuối ngõ đang nướng bồ kết…

- Để làm gì hả mẹ?

- Chữa bệnh, gội đầu con ạ! Ngày xưa…

- Mẹ lại kể chuyện ngày xưa. Con không thích cái mùi khó chịu này.

Không trách con nhưng có cái gì cay cay nơi sống mũi. Hình ảnh bà ngoại và cây bồ kết cuối vườn hiện ra rõ hơn lúc nào trong tâm trí chị. Ngày ấy, bằng tuổi con bây giờ, chị thường ở với ông bà ngoại. Vườn nhà đủ các loại cây ăn quả nhưng chị quan tâm hơn cả là cây bồ kết. Chị thấy bồ kết là loài cây thật lạ, đám lá nhỏ xinh xanh mượt như chẳng liên quan gì tới những chùm gai tua tủa, nhọn hoắt chi chít quanh thân cây. Bồ kết mùa ra quả thật đẹp, chùm chùm xanh rướt, khi chín lại đen tuyền. Trưa hè, bà bảo cậu hái chùm khô nhất mang vào bếp nướng lên, đun nước gội đầu cho cháu. “Tóc bông mà dày thế này là số vất vả đấy con ạ!”. Lần nào bà cũng nói câu này, nhưng khi đó chị chả mấy nghĩ ngợi gì, chỉ thấy sung sướng chờ cho tóc khô rồi chạy ào lên giường, xòa tóc lên gối úp mặt vào đó mà hít hà cái mùi thơm tho, quyến rũ. Ngày đông, bà xuống bếp bưng lên một chậu than bồ kết còn hồng, xua đi cái giá và hương đêm buốt lạnh. Mỗi khi cháu bị sổ mũi, hắt hơi bà đem mấy quả bồ kết nướng cháy, chỉ hít sâu, thở mạnh vài lần là ngạt ngào tan biến. Mới đó mà đã ngót 30 năm. Bà cũng đã đi qua mấy mùa trăng tròn lại khuyết… Mảnh vườn của bà cũng đã bị đô thị hóa mất rồi.

- A, có điện! - Tiếng bọn trẻ cả khu ào lên kéo chị về thực tại. Thu ghế lại, lên nhà xem ti-vi, học bài, hay tải nhạc, chơi điện tử… Ồn ã thế, thời gian nào cho tâm hồn tĩnh tại. Cuộc sống thị thành vốn theo guồng quay vội vã, người trưởng thành còn khó cưỡng, trách gì con trẻ chẳng ngồi yên…