Hiệu quả từ nguồn lực xã hội hóa

Sau ba năm xây dựng nông thôn mới, nhiều làng, xã của Hà Nội đã có những đổi thay nhanh chóng. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới khang trang, bề thế cho vùng quê... Kết quả này có sự đóng góp lớn, quan trọng của nguồn lực xã hội hóa.

Ðường giao thông nông thôn xã Sơn Ðông (Sơn Tây) được đầu tư xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân.  Ảnh: ÐĂNG ANH
Ðường giao thông nông thôn xã Sơn Ðông (Sơn Tây) được đầu tư xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân.  Ảnh: ÐĂNG ANH

ÐI trên những con đường mới đổ bê-tông phẳng lỳ, chắc chắn, ngắm nhìn trụ sở UBND xã, trường học các cấp, những ngôi nhà cao tầng của người dân xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), mới được xây dựng lại khang trang, bề thế, chúng tôi như vui lây với người dân địa phương khi chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ của quê hương. Chủ tịch UBND xã Vũ Thanh Ngọc cho biết: Sau ba năm xây dựng nông thôn mới vừa qua, nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa. Từ nguồn lực này, xã huy động được khoảng bảy tỷ đồng. Trong đó, hơn ba tỷ đồng của một người con quê hương hiện đang định cư tại Anh đã xây dựng công trình trường mầm non và trạm y tế xã với mười phòng khám, chữa bệnh, nhiều trang thiết bị hiện đại. Hiện, Việt kiều này tiếp tục gửi về 350 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa xã. Ngoài ra, có một cá nhân khác đóng góp hơn một tỷ đồng, mười hộ dân của xã góp từ 100 triệu đồng trở lên để xây dựng đường giao thông thôn, xóm, cổng làng, trường học, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử...

Với phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Ðại Thắng (huyện Phú Xuyên) được bê-tông hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng cho biết: Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư của thành phố và huyện, những năm qua, các hộ dân trong xã đóng góp được 9 tỷ 800 triệu đồng, xây dựng 3,2 km đường liên thôn, liên xã; 2,5 km đường giao thông nội đồng.

Thôn Trung Thôn là địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của xã Nhị Khê (huyện Thường Tín). Nhưng khi cán bộ, nhân dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, phương thức của việc xây dựng nông thôn mới, đã đồng lòng, thống nhất triển khai thực hiện. Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Tấn Bình cho biết: Cùng với 10 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách xã, nhân dân trong thôn đã đóng góp 500 triệu đồng và 231 ngày công, xây dựng tuyến đường bê-tông liên thôn, dài 965 m, rộng 4 m, nhà văn hóa, đình làng; hai trạm bơm tưới, tiêu hiện đại, công suất 200 m3/giờ, tuyến mương dẫn nước tưới dài 790 m; hai trạm biến áp điện, tổng công suất 850 kVA. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hơn 800 triệu đồng, mua sắm bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa, làm đường bê-tông ra nghĩa trang, chỉnh trang, hoàn thiện một số đường làng, ngõ xóm, xây dựng bãi để xe, sân chơi cho thiếu nhi.

Trong những năm qua, Ðan Phượng là huyện có thành tích nổi bật về công tác xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Ðể có kết quả này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng, nguồn vốn đóng góp của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, ba năm qua, huyện đã huy động và giải ngân hơn 151 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước (thành phố, huyện, xã) là 99 tỷ 754 triệu đồng (chiếm 60%), vốn người dân đóng góp 51 tỷ 252 triệu đồng (chiếm 40%). Ngoài ra, có 179 hộ hiến hơn 1.009 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, nối thông các xóm, ngõ. Riêng xã Song Phượng làm điểm xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đóng góp của nhân dân và xã hội hóa cũng đến 21 tỷ 764 triệu đồng, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư (134 tỷ 852 triệu đồng). Do đó, để tạo nguồn lực tiếp tục xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng thực hiện một trong các giải pháp là vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia, đóng góp bằng các hình thức: Tiền, đất đai, ngày công, vật tư, hiện vật...

Tính đến hết năm 2013, Hà Nội huy động và đầu tư 16.134 tỷ đồng để đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn do nhân dân đóng góp trị giá 1.844 tỷ 500 triệu đồng, vốn doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, đóng góp 1.786 tỷ 700 triệu đồng. Tính ra, vốn xã hội hóa đóng góp xây dựng nông thôn mới chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư. Những huyện làm tốt công tác huy động nguồn lực này là: Ðan Phượng, Ðông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thạch Thất, Mê Linh. Tại Hội nghị sơ kết ba năm xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư, Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU, đánh giá cao ý nghĩa, tác dụng của nguồn lực này, chỉ đạo các huyện, xã hết sức coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp có đủ thông tin, hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, tự nguyện đóng góp nguồn lực, xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng nông thôn, tạo sự đổi thay toàn diện mạnh mẽ diện mạo nông thôn Thủ đô.