Hà Nội "khác lạ" qua những đồ chơi Trung thu

Khi những đồ chơi hiện đại tràn vào thị trường, đồ chơi truyền thống bị mai một. Người ta ít nhiều còn đặt hy vọng vào những chiếc đèn ông sao, hay cái đầu múa lân là may ra còn có "đất sống". Những tưởng các món đồ "cũ" như chiếc mặt nạ giấy bồi, những chiếc tàu thủy sắt tây... sẽ là những thứ sớm đi vào dĩ vãng nhất. Chúng "khiêm tốn" hơn những đồ chơi dân gian khác và càng thất thế trước đồ chơi hiện đại. Vậy mà, sau bao mùa Trung thu...

Những chiếc tàu thủy sắt tây được nhiều người biết đến hơn trong mùa Trung thu năm nay.
Những chiếc tàu thủy sắt tây được nhiều người biết đến hơn trong mùa Trung thu năm nay.

Căn nhà ông Nguyễn Văn Hòa nằm trong ngõ 73 Hàng Than. Con ngõ chỉ đi vừa một người. Nhiều người bảo đó là "ngõ luồn". Trong một không gian Hà Nội cũ, ta bắt gặp một nghề cũ kỹ - nghề làm mặt nạ giấy bồi. Phố cổ - phố cũ Hà Nội giờ chỉ còn mình gia đình ông Hòa làm nghề này. Cứ đúng vào ngày 1-8 âm lịch, gia đình ông Hòa lại bắt đầu bày bán mặt nạ giấy bồi ở số 81 phố Hàng Đường. Mấy chục năm qua, vẫn đều đặn như thế. Những năm gần đây, mặt nạ giấy bồi ít được khách hàng "nhòm ngó". Nhưng công việc của ông không thay đổi. Mỗi lúc cầm chiếc mặt nạ, ông Hòa thường nhớ lại "cái ngày xưa ấy"... Đó là những cái Tết Trung thu xưa. Bên cạnh mâm ngũ quả, đèn kéo quân, đèn ông sao, đầu lân..., chiếc mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em. Những chiếc mặt nạ hình các con vật ngộ nghĩnh, hình chú Tễu, ông Địa... và những nhân vật khác gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Những đứa trẻ chờ đợi đến đêm rằm để khoe xem ai có mặt nạ đẹp hơn. Chuẩn bị Tết Trung thu, cả gia đình ông Hòa bận tíu tít. Để làm ra chiếc mặt nạ giấy bồi, người thợ phải mất nhiều công đoạn. Trước hết, là phải tạo khuôn. Người thợ tạo hình các khuôn này bằng ximăng đúc sẵn. Muốn có bao nhiêu kiểu mặt nạ, cần làm bấy nhiêu kiểu khuôn theo tạo hình các nhân vật. Tốn nhiều thời gian nhất là công đoạn bồi giấy. Những tờ giấy vốn là một mặt phẳng, để có thể tạo hình miệng, mũi, khuôn mặt... nổi lên sinh động, phải trải qua công đoạn bồi giấy. Khi được phết lên một lớp hồ mỏng, những miếng giấy sẽ mềm ra, người thợ đặt tờ giấy vào khuôn. Tờ giấy mềm sẽ "ăn" khuôn và tạo nên các hình. Lớp giấy này khô đi mới được bồi lớp tiếp. Cứ mỗi lần bồi là một lần hong khô. Đợi qua mấy lần như thế, mới có thể gỡ chiếc "phôi" mặt nạ để làm bước tiếp theo, đó là vẽ hình. Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Nếu tính chi li, một chiếc mặt nạ mất khá nhiều thời gian, mà giá thành cũng chỉ khoảng 30.000 đồng mỗi chiếc".

Mỗi năm gia đình ông Hòa làm vài nghìn chiếc mặt nạ. Số tiền thu được không phải là nhiều so với bao ngày ngồi gò lưng bồi giấy, tỷ mẩn vẽ vời. Nhưng công việc vẫn vậy, cho dù khi hàng bán chạy hay ế khách. Mỗi khách hàng đến với mặt nạ giấy bồi đem lại cho ông niềm vui nho nhỏ. Niềm vui được tiếp tục làm nghề truyền thống của gia đình.

So với đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ giấy bồi "khiêm tốn" hơn về độ hấp dẫn. Đó là lý do nhiều người từng nghĩ rằng nó sớm biến mất khi đồ chơi công nghệ xuất hiện. Tương tự như thế là số phận của chiếc tàu thủy sắt tây. Xuất hiện khá muộn, khi có "sắt tây", nên tàu thủy sắt tây có "điểm trừ" khi không phải ai cũng coi đó là đồ chơi dân gian truyền thống. Tàu thủy sắt tây từng là một món "đồ chơi công nghệ", do có thể chạy được bằng đốt nóng một cái "nồi hơi", song đây là điểm trừ tiếp theo - nó quá lạc hậu so với đồ chơi công nghệ hôm nay. Nhưng cũng giống như mặt nạ giấy bồi, nó không bị "thất truyền". Nó cũng là "nghề của một người". "Chủ sở hữu" của nghề làm tàu thủy sắt tây là anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân).

Là một món đồ thủ công, nhưng tàu thủy sắt tây lại có cấu tạo khá phức tạp, chạy bằng dầu. Phức tạp nhất trong món đồ chơi này hệ thống "máy móc". Khoang tàu bên dưới chứa lá đồng mỏng nối với hai ống đựng nước hai bên thân tàu. Khi đốt nóng thì lá đồng phồng lên hút nước lạnh vào bên trong. Nước lạnh tràn vào làm lá đồng nguội đi và xẹp xuống nhanh, việc xẹp xuống bất ngờ tạo ra tiếng "pạch" và đẩy nước mạnh về phía sau làm tàu chạy đi. Quá trình lặp đi lặp lại tạo ra âm thanh "pành pạch" y như tiếng động cơ thực. Tất cả các công đoạn đều được làm tỷ mỷ, chính xác, nếu không tàu có thể "đắm" ngay khi "hạ thủy" hoặc không thể chạy được. Gia đình anh Hùng đã làm món đồ chơi này qua mấy thế hệ. Anh từng trải qua những nghề khác, rồi trở lại với nghề của gia đình. Cũng thăng, cũng trầm, nhất là khi công nghệ chen chân vào các món đồ chơi, với những nút bấm, những điều khiển từ xa tinh vi. Trước, ở làng Khương Hạ có hàng chục gia đình làm, giờ chỉ còn mỗi anh Nguyễn Mạnh Hùng. Dù những năm gần đây, khách mua đã ít so với trước, nhưng anh Hùng không bỏ nghề. Những người hoài cổ vẫn tìm đến anh như người bạn tri âm. Họ gặp lại mình trong những món đồ tưởng chừng đã thuộc về quá khứ, để nhớ về những cái Tết Trung thu xưa thiếu thốn hơn, giản dị hơn nhưng dường như nhiều chuyện để kể hơn.

Nhiều người bảo Trung thu năm nay, đồ chơi dân gian "được mùa", khi nhiều người tìm đến đồ chơi dân gian hơn. Chủ nhân của nghề làm mặt nạ giấy bồi - ông Nguyễn Văn Hòa bảo, nhiều cơ quan báo chí đến tìm hiểu hơn, nhiều người biết đến mặt nạ giấy bồi hơn, một số trường tiểu học cũng đến đặt mặt nạ giấy bồi để vui Tết Trung thu cho các cháu. Dẫu thăng, dẫu trầm, thì những con người như ông Hòa, anh Hùng vẫn cứ làm nghề cũ.

Khi câu chuyện về biển đảo được nhiều người đề cập, có thể cảm nhận niềm vui từ tác giả của những chiếc tàu thủy sắt tây. Bởi thật tình cờ, bao năm qua, anh Hùng chính là người đã gieo những câu chuyện đầu tiên về biển đảo vào tâm hồn bọn trẻ, với lá cờ đỏ sao vàng luôn ngạo nghễ tung bay trên mỗi chiếc tàu. Một khi ý thức chủ quyền, ý thức về văn hóa của người dân tăng lên, những đồ chơi truyền thống như thế sẽ tìm lại được mảnh đất để sinh tồn. Còn tôi, bỗng thấy Hà Nội thật may mắn. Nếu không có những con người như họ, thì người Việt chẳng còn cơ hội để "quay về" với những nét truyền thống của mình...

Người phương xa vẫn bảo Hà Nội là một thành phố "khác lạ". "Khác lạ" lớn nhất đó là sự đối lập đến ngạc nhiên, là cái hiện đại và truyền thống luôn song hành. Ngay bên một tòa nhà cao tầng sáng choang, rất có thể là một gốc cây già, dưới bóng cây là một căn nhà cũ kỹ, cũng có thể là một ngôi nhà cổ, với những con người cũng "cũ" nốt. Ta gặp Hà Nội "khác lạ" ấy trong những món đồ chơi Trung thu. Hiện đại và cổ kính. Hai nét đẹp ấy cứ song hành bên nhau. Bởi chính những con người "khác lạ" như thế.

Hà Nội "khác lạ" qua những đồ chơi Trung thu ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Hòa vẽ mặt nạ giấy bồi.