Gửi tình yêu qua trang sách

Bất kỳ ai, dù sinh ra tại Hà Nội, hay đến Hà Nội từ phương trời khác, nhưng khi đã gắn bó với mảnh đất này, tình yêu sẽ nảy mầm, sinh sôi. Nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn (trong ảnh), dù đã về hưu, nhưng với tình yêu và tâm huyết với Thủ đô, đã ra mắt cuốn sách "Từ Tràng an thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh". Mỗi câu văn, mỗi trang sách chính là tấm lòng của ông đối với việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử người Hà Nội.

Gửi tình yêu qua trang sách

Từ năm học 2010 - 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" trong các trường học. Để chuyển tải được những nội dung vốn trừu tượng về nếp sống thanh lịch, văn minh sao cho dễ đọc, dễ hiểu với các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học là việc không đơn giản. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Đoàn, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học trong xuất bản bộ sách. Ông và đồng nghiệp nghiên cứu rất nhiều để cho ra đời những bài giảng về trang phục, cách đi đứng, ăn mặc, giao tiếp với bạn bè, cha mẹ, với người nước ngoài... vừa không được trùng lắp với các bài giảng trong các môn học khác, lại gần gũi, thể hiện được "chất thanh lịch" của Hà Nội. Tròn tám năm sau, đúng vào dịp tháng 10 năm nay, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn sách "Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh" (NXB Hà Nội, năm 2018).

Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông luôn trăn trở, làm thế nào để giáo dục thế hệ trẻ tốt hơn, để nối tiếp, phát huy những nét đẹp của người Hà Nội. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống lại phát sinh nhiều bất cập, khiến những nét đẹp ứng xử của người Tràng An ít nhiều phôi pha. Trẻ em ăn nói thiếu lễ phép với người lớn. Một số người lớn thiếu ý thức vô tư vứt rác nơi công cộng. Chỉ một vụ va chạm giao thông nhỏ cũng có thể dẫn đến ẩu đả. Vậy nên, khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn nghĩ đến việc phải góp sức mình vào việc gây dựng lại truyền thống tốt đẹp. Để hoàn thành cuốn sách, nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn đã tìm nhiều tài liệu về lịch sử, xã hội, điều kiện phát triển kinh tế của Hà Nội xưa và nay. Đó chính là nền tảng để nét đẹp ứng xử hình thành, phát triển và biến đổi theo thời gian. Ông cho biết đã dành tới hai năm để hoàn thành cuốn sách nêu trên.

Ông chia sẻ: "Thời gian gần đây, đã có nhiều chuyển biến trong ứng xử của người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố... Tuy nhiên, những chuyển biến ấy vẫn chưa trở thành ý thức thường xuyên của mỗi người. Tôi đã cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu biên soạn bộ bài giảng về Hà Nội thanh lịch, văn minh cho học sinh. Song không phải ai cũng hiểu thấu ý nghĩa cuốn sách. Ngay cả thầy cô giáo khi giảng dạy vẫn có sự nhầm lẫn giữa dạy nếp sống thanh lịch, văn minh với giáo dục đạo đức. Thực tế, giáo dục đạo đức hướng dẫn con người nhận biết điều đúng - sai, còn giáo dục nếp sống lại hướng tới cái đẹp, ứng xử sao cho đẹp, cho thanh lịch, văn minh. Muốn làm được điều đó, người lớn phải hiểu sâu xa nguồn gốc, lịch sử phát triển của Hà Nội, những nét đẹp ứng xử đẹp từ xưa để lại thì chúng ta mới tự điều chỉnh hành vi của mình, cũng như giáo dục được thế hệ trẻ".

Với suy nghĩ ấy, tác giả đã dành trọn phần đầu để giải nghĩa những cụm từ quen thuộc như câu thơ: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", hay khái niệm, thế nào là "thanh lịch"; truyền thống thanh lịch của Tràng An xưa; những chuẩn mực của người thanh lịch như: Thanh lịch trong ăn uống, trong cách mặc, trong nói năng, trong giao tiếp ứng xử, trong vui chơi, giải trí... Ở phần hai, với chủ đề "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn đưa ra những tư liệu về các đặc trưng phẩm chất, tính cách của người Hà Nội. Tác giả cuốn sách lý giải sâu sắc về những chuyển biến trong ứng xử của người Hà Nội, từ đó nêu những việc cần làm trong việc xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh hôm nay. Vốn là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, nên lối thể hiện của nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn không chỉ cung cấp thông tin ý nghĩa với những người muốn tìm hiểu văn hóa Hà Nội, mà còn rất hữu ích đối với các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh.

"Từ Tràng An thanh lịch đến Hà Nội thanh lịch, văn minh" là tác phẩm của một người không chuyên nghiên cứu về văn hóa. Song, chính sự không chuyên ấy, cho ta hiểu thêm về tấm lòng, trách nhiệm của một công dân Thủ đô trước những vấn đề chung của thành phố. Hà Nội đang dốc sức triển khai hai bộ quy tắc ứng xử. Cuốn sách là nguồn tài liệu ý nghĩa trong việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hôm nay. Nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn chia sẻ: "Công cuộc giữ gìn, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần phải bền bỉ, kiên trì. Chúng ta phải sốt ruột trước những hành vi xấu, nhưng cũng phải bình tĩnh vì để thay đổi nhận thức của con người, thay đổi xã hội, đó là việc làm của nhiều thế hệ cùng nối tiếp. Dù cuộc sống có thay đổi ra sao thì con người vẫn luôn muốn hướng tới chân - thiện - mỹ. Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh có ý nghĩa thiết thực đến bản thân mỗi người. Tôi tin, con người ở xã hội nào rồi cũng sẽ tiến tới việc xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử đẹp".