Góc bình yên giữa chợ phiên

Vào cữ này, ở dưới xuôi mới chỉ có vài cơn gió đầu mùa. Trên “nóc nhà” Tổ quốc đã lạnh cóng rồi, trèo qua một ngọn núi mờ sương, cái lạnh buốt thấu tới tận xương. Ních chặt bao nhiêu áo mà người vẫn rét run.

Chợ phiên Đồng Văn, Hà Giang.
Chợ phiên Đồng Văn, Hà Giang.

Sương trắng đục như sữa thấm vào núi đá, phả hơi lạnh tê cóng ngấm vào da thịt. Thế mà, đám trẻ nép bên vách đất trình tường, thập thò sau bờ rào đá, chỉ mặc độc manh áo phong phanh. Có đứa tồng ngồng, chân trần trên đất bùn. Nhoẻn miệng cười tươi trước ống kính máy ảnh.

Thế mà, mấy cô gái người Dao, Mông, Giáy má cứ ửng hồng như bên bếp lửa cháy rực. Đứng gần bên, cảm thấy hơi ấm nồng tỏa ra đỡ lạnh giữa phiên chợ vùng cao Đồng Văn thưa vắng người. Hãy còn sớm, sương chưa tan, chợ chưa họp. Con phố cổ ngót ba chục căn nhà gỗ hai tầng dựa vai, ngả đầu vào nhau ngay sát chợ. Mầu gỗ đen bóng như bồ hóng ám khói, nhuộm màu thời gian mấy trăm năm rồi. Mái ngói âm dương rêu phong mốc meo, sẫm màu quá khứ, màu quên lãng. Bất giác, ngước lên những dãy núi trập trùng, sương đục mù mịt che khuất đỉnh non. Sương dâng lên đặc sánh, ngập đầy như dòng suối khói đang lặng lẽ chảy xuống. Chìm giữa dòng sương khói trắng xóa, nhìn kỹ mới thấy thấp thoáng những bóng người. Trên những đường mòn cheo leo vách đá, len lỏi sườn núi chênh vênh, thấp thoáng những chấm người bé xíu. Âm thầm, miệt mài hệt như kiến tha mồi, người ta đổ xuống chợ phiên. Một tuần chợ chỉ họp một lần vào chủ nhật. Ngôi chợ quây quần bằng năm dãy nhà lợp ngói tuềnh toàng chụm vào nhau, lọt thỏm dưới thung lũng, dựa lưng vào vách núi sừng sững. Đã thấy xe máy chở lợn từ những bản làng heo hút mãi trên núi cao cách mấy chục cây số xuống chợ. Đàn ông, con trai cầm lái trên đường mòn mấp mô đá tảng mà dẻo tay như dưới xuôi. Ai cũng chỉ mặc một chiếc áo chàm sậm mầu, trên đầu đội chiếc mũ nồi ngồi bên chảo thắng cố bốc khói hay trong quán rượu ngô góc chợ bán gia súc. Đến chợ sớm nhất có lẽ là hai cha con ông già người Mông đang lúi húi nhóm bếp, bắc chảo nấu thắng cố. Bếp xây chắc chắn như đắp lò nung vôi. Củi gộc chất đầy, lửa nhóm lên. Chờ cho củi cháy rực, hai cha con khiêng cái chảo to như cái nong đặt lên bếp. Lửa bén rồi, bây giờ mới đổ trút ruột, gan, tim, phổi ngựa vào chảo đầy phè, sôi sùng sục. Mùi thắng cố lẫn thảo quả, lá mắc mật bốc lên, tỏa ra khắp chợ không thể lẫn với bất cứ món ăn nào. Xuống chợ phiên, đàn ông, trai tráng dứt khoát phải ăn thắng cố, uống dăm bát rượu ngô rồi mới ghé vào mua dao, kéo, mỡ, muối, dầu thắp… Dường như việc đi chợ của người dân tộc chỉ là cái cớ để nhìn thấy mặt nhau, hỏi han. Lưng gùi măng tươi, mộc nhĩ, nấm hương, quế chi. Một bên cắp nách chú lợn mũm mĩm, tay dắt chó, dê, chồng đi trước, vợ bước sau, con lẽo đẽo bám theo dắt díu nhau xuống chợ. Họ cứ nhẩn nha, đủng đỉnh từ mọi góc rừng, vách đá, lối mòn đổ về chợ, lặng lẽ như những dòng nước chảy dồn vào lòng chảo. Nơi quy tụ sản vật, quây quần niềm vui, lao xao tiếng nói cười. Đứng giữa chợ ngỡ tưởng ngập trong cánh đồng hoa rực rỡ, sặc sỡ với nắng sớm hoe vàng vắt ngang sườn núi, buông lửng trên mái ngói âm dương phủ đầy rêu. Chói ngắt nhất là những tấm khăn đội đầu với đủ các mầu: vàng chóe, đỏ rực, hồng tươi, xanh ngắt, tím thẫm… Khác hẳn sắc mầu nền nã, trang nhã những váy xòe thổ cẩm đong đưa theo nhịp chân thiếu nữ rảo bước, tíu tít ướm chọn, mua sắm áo quần, ô dù, khăn dệt, gương lược, chỉ thêu. Đông đúc vòng trong vòng ngoài là hàng mậu dịch, thứ gì cũng có. Dao phát nương, lưỡi cuốc, cưa đục, nồi, xoong, chảo. Rồi dầu thắp, muối biển, xà-phòng chất đầy nền nhà, xếp chật giá gỗ. Toàn những thứ hàng không thể tìm thấy ở thành phố, thì ở đây chật ních cả một gian nhà, tràn ra ngoài đường. Ở giữa chợ lại có mấy ông người Mông cặm cụi sửa chữa cuốc, dao, liềm, súng kíp, cung nỏ bên bễ lò rèn đỏ rực. Giữa bốn bề tuềnh toàng gió hoang lạnh, hơi nóng lan tỏa, thấm vào người. Nhưng có lẽ không gì ấm áp cuốn hút bà già, cô gái, trẻ nhỏ bằng mấy thúng xôi bốc khói nghi ngút. Ngay cạnh là ba thùng kem mút bốc hơi giữa gió đông lộng thốc… Đứng trên đầu dốc nhìn xuống, rực rỡ một góc chợ là vàng chói, đỏ au những thúng, bao tải ngô ngồn ngộn. Ấy là màu của sự no đủ, là sự sống của người dân trên cao nguyên đá. Đi khắp phiên chợ, mầu ngô ám ảnh đến mức day dứt. Cây ngô còi cọc, nhọc nhằn mọc trên đá, đội đá, xuyên đá mà lớn lên. Khe đá, hốc đá, hõm đá, bất kể chỗ nào hở ra là bỏ nắm đất vào. Vào mùa tra hạt, vợ gùi con trên lưng theo chồng leo lên sườn núi. Bàn chân trần đạp lên đá sắc tai mèo, bấm ngón chân vào đá. Cặm cụi cắm que gỗ vót nhọn xuống đất cằn tra vài hạt ngô giống. Gieo vào đá những “hạt” hy vọng mong manh. Hết ba tháng đông giá buốt, mưa lất phất trên cao nguyên không đủ ướt đá, nhưng cũng đủ để những cây ngô nhẫn nại vươn lên chỉ cao ngang vai đứa trẻ. Năm nào sương muối trút xuống đúng vào lúc ngô trổ cờ là cả cao nguyên đá bơ phờ lo cái đói ập đến.

Trời đã ngả về chiều. Chợ đã thưa vắng người. Chẳng nhớ đã đi quanh chợ mấy lượt, mà chẳng thấy mỏi chân, mỏi mắt. Tôi chỉ mua một cái thìa gỗ ăn thắng cố và tấm khăn thổ cẩm. Thôi thế cũng đủ để nhớ một lần lên chợ phiên. Không biết đến bao giờ có dịp quay lại nơi đây. Sớm mai lại về dưới xuôi, mang theo hình ảnh những đôi vợ chồng người Dao, người Mông. Chồng say xỉn, ngất ngưởng, ngả nghiêng trên lưng ngựa. Vợ lẽo đẽo dắt dây cương, đủng đỉnh từng bước trên đường núi đá gập ghềnh, hun hút... Trở về ngôi nhà đất trình tường, tối như hũ nút. Quanh năm không le lói một tia nắng, âm u tựa dưới lòng đất sâu thẳm. Cao nguyên đá về đêm càng thêm lạnh tê tái. Tôi áp tấm khăn thổ cẩm lên mặt. Một chút hơi ấm như bàn tay ai khẽ chạm. Có phải đây là tấm thổ cẩm mà cô gái Mông ở bản Then miệt mài gò lưng, thắt ruột dệt bằng hai bàn tay khô ráp, sần sùi? Ở trên này, con trai, con gái yêu nhau, phải lòng nhau thường trao gửi khăn thổ cẩm làm tin. Tấm khăn nho nhỏ này liệu có thể gói ghém tất cả mầu sắc, mùi rượu ngô, thắng cố, những ánh mắt, nụ cười phiên chợ... chốn biên cương heo hút này.